Cần một chiến lược truyền thông bài bản về Kiểm toán nhà nước
Kiểm toán - Ngày đăng : 11:10, 20/06/2024
Thưa ông, khi trò chuyện với các nhà báo, phóng viên, không ít lần ông dẫn Tuyên bố LIMA của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI): Sức mạnh của cơ quan kiểm toán là sức mạnh của truyền thông và công chúng. Theo ông, KTNN đang thực hiện khuyến nghị này của INTOSAI như thế nào?
Sức mạnh của cơ quan kiểm toán là sức mạnh của truyền thông và công chúng. Điều này hàm ý: Tất cả kết quả kiểm toán phải được công khai để truyền thông, công chúng có thể tiếp cận và dưới áp lực của công chúng, của dư luận và truyền thông, các cơ quan quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phải thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nếu đơn vị được kiểm toán không thực hiện thì công chúng cũng sẽ tạo áp lực để đơn vị thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán. Đó mới là sức mạnh tối thượng trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán và việc công khai, minh bạch hàm ý để tạo nên sức mạnh. Việc công khai về tài chính quốc gia, công khai kết quả kiểm toán chính là một phần minh bạch tài chính quốc gia.
Vấn đề công khai kết quả kiểm toán được quy định trong nhiều luật, từ Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 đến Luật KTNN năm 2005 và Luật KTNN năm 2015. KTNN cũng đã từng bước thực hiện vấn đề này. Đến nay, ngoài báo cáo kiểm toán (BCKT) đóng dấu Mật hoặc Tuyệt mật thì các BCKT đều được công khai trên website của KTNN. Vấn đề là báo chí tiếp cận và nhìn nhận như thế nào.
Ở đây, có một vấn đề, ngôn ngữ của BCKT là ngôn ngữ rất chuyên môn. Khó khăn đối với nhà báo là tiếp cận và chuyển tải được ngôn ngữ chuyên môn thành tác phẩm báo chí. Điều đó đòi hỏi KTNN dần dần phải có một bộ phận làm cầu nối, chuyển tải từ BCKT sang thông cáo báo chí (thông cáo kiểm toán). Hơn nữa, để bình luận được những con số trong BCKT, đôi khi cần tiếng nói của các chuyên gia về pháp luật, tài chính, thuế... Nếu chưa khắc phục được những khó khăn này thì thông tin về kiểm toán rất khó đến được với số đông công chúng.
Theo ông, các cơ quan truyền thông nên làm gì để thực hiện tốt hơn trọng trách của mình trong việc thông tin về hoạt động kiểm toán, giúp người dân hiểu hơn về KTNN?
Các cơ quan báo chí, truyền thông hiện nay đã làm tốt việc đưa tin về hoạt động kiểm toán (KTNN đã thực hiện được bao nhiêu cuộc kiểm toán, phát hiện như thế nào, chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước ra sao...). Tuy nhiên, làm như thế nào để dân chúng hiểu tại sao phải có cơ quan kiểm toán, thành lập KTNN để làm gì, KTNN mang lại những giá trị gì... Những điều này có chăng mới đề cập ở những tạp chí chuyên sâu như những tạp chí dành cho nhà khoa học, nhà quản lý mà chưa đến được với công chúng.
Truyền thông đang mặc nhiên là dân chúng đã hiểu về KTNN nhưng thực ra không phải như vậy. Bởi lẽ, ngay cả một số nhà quản lý cũng chưa hiểu hết thiết chế KTNN. Hiểu đúng công cụ này mới sử dụng nó tốt được. Giống như với một thiết bị, nếu người sử dụng không hiểu về nó thì gần như không sử dụng được. Đây là cái khó trong hoạt động của cơ quan KTNN. Thời gian tới, mong rằng KTNN phải đẩy mạnh việc này. Các cơ quan truyền thông, báo chí sẽ cùng đồng hành với KTNN làm tốt hơn vấn đề này. Muốn công chúng hiểu rõ về KTNN thì chỉ có các cơ quan truyền thông, báo chí mới làm được.
Truyền thông vẫn phải tiếp tục thông tin về việc tại sao phải có cơ quan kiểm toán, tại sao đã có cơ quan thanh tra nhưng vẫn cần có cơ quan kiểm toán, có kiểm toán rồi thì thanh tra và kiểm toán hoạt động ra sao để tránh những tranh luận không cần thiết về sự chồng chéo do chưa hiểu hết 2 thiết chế này và mỗi thiết chế đều có sự khác biệt.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của KTNN, đặc biệt là hoạt động kiểm toán, KTNN cần xây dựng chiến lược truyền thông như thế nào, thưa ông?
Đây cũng là một câu chuyện. KTNN cần có một “kênh” để dẫn dắt câu chuyện về KTNN. Trụ sở KTNN có treo biển: “Vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững”. Có thể nhiều người vẫn không hiểu tại sao KTNN lại vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững. Ngoài những bài trên tạp chí chuyên sâu của các nhà nghiên cứu khoa học, đã có tác phẩm báo chí nào để công chúng thấy rằng, để nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững, cần phải có cơ quan kiểm toán; trong khi đó, điều chúng ta cần là những thông tin này phải đến đa số công chúng.
KTNN cần có chiến lược truyền thông bài bản, từ truyền thông về địa vị pháp lý, năng lực của cơ quan kiểm toán, những yêu cầu của nó như thế nào đến kết quả hoạt động của cơ quan kiểm toán. Kết quả hoạt động của KTNN cũng phải đi vào chuyên sâu với những phân tích mang tính chuyên gia. Ví dụ, từ thông tin tổng hợp về quyết toán ngân sách nhà nước của KTNN, cần có chuyên gia phân tích chuyên sâu để nhận định: KTNN đã đánh giá tổng thể nền tài chính quốc gia như thế nào, định vị nó ở đâu và đâu là vấn đề cần cải thiện, cần sửa đổi gì…
Lãnh đạo KTNN ngày càng chú trọng, đẩy mạnh công tác thông tin - truyền thông. Ông có mong muốn và khuyến nghị gì để Báo Kiểm toán có thể đáp ứng tốt yêu cầu đó?
Chúng tôi mong muốn Báo Kiểm toán sẽ trở thành báo nguồn, đặc biệt trở thành nguồn công khai kết quả kiểm toán, công khai hoạt động của cơ quan kiểm toán. Ở đây cần lưu ý, KTNN không chỉ công khai kết quả kiểm toán mà phải công khai hoạt động và công khai về chính sách của cơ quan kiểm toán. Nếu hoạt động của cơ quan không minh bạch thì kết quả chưa chắc đã tạo ra sự minh bạch. Đây cũng là yêu cầu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, các cơ quan phải công khai từ chính sách đến việc tổ chức thực thi chính sách và tổng kết đánh giá chính sách.
Từ khi hội nhập, Việt Nam đã thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công khai từ dự thảo đến văn bản được phê duyệt và công khai việc tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện văn bản đó. Dự toán ngân sách nhà nước đã công khai từ dự thảo trình Quốc hội lần đầu đến dự thảo tiếp theo và công khai dự toán được Quốc hội quyết định. Do đó, dân chúng có thể tiếp cận được dự thảo lần đầu và bản được phê duyệt xem sự khác biệt là gì, lý do tại sao...
Tương tự như vậy, KTNN cũng phải có Chiến lược công khai để tạo sự minh bạch. KTNN vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững, muốn đáp ứng được sứ mệnh này thì chính hoạt động của KTNN phải minh bạch.
Báo Kiểm toán - cơ quan ngôn luận của KTNN, thời gian qua đã có sự thay đổi rất nhiều, nhưng cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ với sự minh bạch chung của quốc gia và của KTNN.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.