122 tác phẩm đạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII

Xã hội - Ngày đăng : 23:47, 21/06/2024

(BKTO) - Tối 21/6, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023 với chủ đề "Khát vọng và bản lĩnh Việt Nam" tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Lễ trao Giải diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).
to-lam-sin.jpg
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Lễ trao Giải

Dự Lễ trao Giải có Chủ tịch nước Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh; cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà báo lão thành, các tác giả đạt giải.

Khai mạc Lễ trao Giải, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh cho biết, Giải Báo chí Quốc gia năm nay đã bước sang năm thứ XVIII - cũng là năm thứ 99 Báo chí cách mạng Việt Nam. Giải tiếp tục khẳng định vững chắc uy tín của mình. Giá trị và hình ảnh Giải được lan tỏa rộng khắp tới các cấp Hội, các hội viên.

minh-phat-bieu.jpg
Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc Lễ trao Giải. 

Năm nay, Giải tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động, tích cực của 18 Liên Chi hội và 30 Chi hội trực thuộc. Số tác phẩm của tác giả không phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 127 tác phẩm. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.

Giải báo chí lần thứ 18 có 1.905 tác phẩm gửi về tham dự, trong đó có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện theo quy định; quá trình chấm Chung khảo được thực hiện đúng Điều lệ Giải và Quy chế làm việc, thể thức bỏ phiếu của Hội đồng Giải. Trong số 165 tác phẩm vào Chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18.

 Giải Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in) có 1 giải A, 3 giải B, 5 giải C và 3 giải Khuyến khích. (Năm trước thể loại này không có giải A)

 Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh có 2 giải B, 2 giải C và 4 giải Khuyến khích (các năm trước, thể loại ảnh đều không có giải A)

Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh) có 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 3 giải Khuyến khích.

Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh) có 1 giải A, 3 giải B, 4 giải C và 3 giải Khuyến khích.

Giải Tin, phóng sự, ký sự (Truyền hình) có 1 Giải A, 3 giải B, 5 giải C và 6 giải Khuyến khích. (Năm trước không có giải A)

Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình) có 1 giải A, 1 giải B, 3 giải C và 1 giải Khuyến khích.

Giải Phim tài liệu truyền hình có 1 Giải A, 2 Giải B, 4 Giải C và 3 Giải Khuyến khích.

Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) có 1 giải A, 3 giải B, 5 giải C và 5 giải Khuyến khích.

Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử) có 1 giải A, 2 giải B, 5 giải C và 5 giải Khuyến khích.

Các tác phẩm tham dự Giải năm nay có chất lượng tốt. Hầu hết các tác phẩm bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng trong năm 2023 trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng… Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội…

dai-bieu.jpg
Các đại biểu dự Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII, năm 2023. Ảnh: Đinh Trang

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi tới các thế hệ người làm báo, công chúng báo chí trong, ngoài nước những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch nước biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 99 năm qua.

Chủ tịch nước nêu rõ, trải qua trải qua 99 năm hình thành và phát triển, Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với mục tiêu cao quý, thiêng liêng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đã thể hiện rõ nét vai trò vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, ngọn cờ cách mạng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chủ tịch nước khẳng định các tác phẩm đạt giải đã phản ánh bức tranh lao động sôi động của báo giới cả nước trong năm qua, đồng thời đại diện cho thành tựu to lớn của đội ngũ những người làm báo hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

giai-a.jpeg
Chủ tịch nước Tô Lâm và Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả. Ảnh: Đinh Trang

Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ: Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đưa đất nước hoàn thành thắng lợi mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Năm 2025, khi kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam là một năm bản lề, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, đồng thời cũng hết sức vẻ vang đối với báo chí và đội ngũ những người làm báo trong tuyên truyền, tạo sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng; cũng như xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Do đó, cần tập trung xây dụng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc", "vừa hồng, vừa chuyên", phải luôn thường trực lời Bác dạy "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết; khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, cũng chớ nói, chớ nên viết", "Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được".

Cùng với đó, phải kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung…

Chủ tịch nước cũng yêu cầu báo chí thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; nhấn mạnh thông tin báo chí cách mạng phải thực sự trở thành dòng thông tin chủ lưu trong không gian số.

Các cơ quan báo chí cần xác định rõ mục tiêu, lộ trình, triển khai chuyển đối số mạnh mẽ và có kết quả cụ thể; chú trọng thúc đẩy tất cả yếu tố trong các giai đoạn của chuyển đổi số báo chí; tập trung đào tạo nguồn nhân lực trên các nền tảng số, nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, quan tâm nghiên cứu công chúng và các hình thức sản phẩm có sức hấp dẫn, khả năng tương tác cao, lan tỏa sâu rộng trong công chúng, nhất là công chúng trẻ.

“Tiếp nối truyền thống 99 năm ra đời và phát triển, với kinh nghiệm, bản lĩnh, ý chí, đội ngũ những người làm báo - Lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng - sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin cậy giao phó” - Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng./.

ĐINH TRANG