VRG dự kiến chi 1.200 tỷ đồng trả cổ tức

Kinh tế - Ngày đăng : 13:56, 23/06/2024

(BKTO) - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cần xây dựng hệ sinh thái ngành cao su, hình thành các nhà máy, trung tâm chế biến tiên tiến, hiện đại phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, phát triển sản phẩm mang thương hiệu VRG có bản sắc riêng, vươn tầm quốc tế...
4.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy chúc mừng 2 Thành viên HĐQT VRG và Kiểm soát viên nhiệm kỳ 2021-2026 vừa được bầu bổ sung tại Đại hội. Ảnh: ST

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn VRG.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt cao

Báo cáo tại Đại hội, ông Hà Văn Khương - Thành viên Hội đồng quản trị VRG cho biết, năm 2023, Tập đoàn đã hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra trong năm. Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 24.699 tỷ đồng, bằng 101,9% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 3.372 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch. Riêng Công ty mẹ - VRG, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.980 tỷ đồng và 1.433 tỷ đồng, so với kế hoạch bằng 104,9% và 102,7%. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 3%/vốn điều lệ, tương ứng 1.200 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch đề ra.

Tập đoàn đã từng bước khẳng định “Thương hiệu Cao su Việt Nam” trên thị trường khu vực và thế giới; phát triển giá trị chuỗi sản phẩm cao su, góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và vùng biên giới góp phần thực hiện công tác chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với Lào và Campuchia; bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và đời sống cho người lao động ổn định, trong đó có đồng bào dân tộc và người dân bản địa trong vùng dự án ở Lào và Campuchia, bảo toàn và phát triển vốn của cổ đông, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước.

Năm 2023, giá mủ cao su duy trì ở mức thấp và giảm mạnh (giá mủ cao su bình quân năm 2023 đạt 30,49 triệu đồng/tấn, giảm 6,55 triệu đồng/tấn so với giá bán kế hoạch). Tuy nhiên, Tập đoàn đã duy trì việc làm ổn định cho hơn 83.000 lao động với mức thu nhập bình quân 8,24 triệu đồng/người/tháng, trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số trên 20.500 người (chiếm trên 25% tổng số lao động), lao động là người nước ngoài (Lào, Campuchia) trên 21.500 người (chiếm trên 26% tổng số lao động), đảm bảo công tác an sinh xã hội và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

cs.jpg
Năm 2023, VRG đã duy trì việc làm ổn định cho hơn 83.000 lao động với mức thu nhập bình quân 8,24 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: ST

Xác định 3 trụ cột phát triển bền vững

Năm 2024 tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và quốc tế, những thay đổi bất lợi về thời tiết, lãi suất và các yếu tố chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá thị trường của cao su và gỗ chưa có chuyển biến tích cực so với năm 2023… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của VRG và các đơn vị thành viên.

Trên cơ sở phân tích, nhận định những khó khăn, thách thức, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng lĩnh vực và khu vực, những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.

Tập đoàn sẽ tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, khai thác đảm bảo đạt và vượt kế hoạch năm 2024; theo dõi sát tình hình thực hiện kế hoạch sản lượng để kịp thời có phương án phù hợp; đồng thời, tăng cường công tác thu mua để tăng doanh thu, phát huy công suất các nhà máy chế biến, giảm giá thành và tăng việc làm, thu nhập cho người lao động.

Ông Lê Thanh Hưng - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc VRG

Theo ông Lê Thanh Hưng - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc VRG, Tập đoàn định hướng đầu tư, khai thác có hiệu quả quỹ đất đủ điều kiện để phát triển các khu công nghiệp, chuỗi công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho Tập đoàn, phấn đấu là doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, chuỗi công nghiệp, nâng cao hiệu quả và giá trị vốn hoá của Tập đoàn. Tăng cường tiếp thị, thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, chuỗi công nghiệp, đổi mới mô hình quản lý, quản trị hiện đại trong công tác đầu tư, tổ chức và hoạt động kinh doanh các khu công nghiệp, chuỗi công nghiệp đầu tư mới của Công ty mẹ VRG và các đơn vị thành viên của Tập đoàn.

VRG sẽ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư, phát triển 5 năm, Đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến hết năm 2025 được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt.

Tập đoàn VRG xác định mục tiêu phát triển bền vững trên nền tảng 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm xã hội; thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Tập đoàn năm 2023-2030, tầm nhìn 2050; nâng cao vai trò của Tập đoàn trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số…

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đánh giá cao kết quả hoạt động năm 2023 của VRG và bày tỏ, để đạt được kết quả cao hơn nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn cần phối hợp với HĐQT tiếp tục chỉ đạo, giám sát và kiểm tra sát sao các công ty thành viên trong thực hiện Kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024; kịp thời có giải pháp hiệu quả hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua; kịp thời báo cáo Ủy ban về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm, cũng như những thuận lợi, vướng mắc...

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu VRG khẩn trương rà soát để sửa đổi, cập nhật, ban hành các quy chế, quy định nội bộ cần thiết cho tổ chức, hoạt động của Công ty mẹ và các công ty thành viên của Tập đoàn để đổi mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Về thực hiện Đề án cơ cấu lại VRG, Tập đoàn cần thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung của Đề án theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn của Tập đoàn, trong đó có phần vốn của Nhà nước.

Chủ động triển khai, rà soát các vướng mắc, bất cập liên quan đến công tác thoái vốn, chuyển nhượng vốn từ trước đến nay; báo cáo các cơ quan theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước các cơ quan và pháp luật về thẩm quyền của Hội đồng quản trị Tập đoàn. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các đơn vị thành viên…

“Với trách nhiệm là cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Tập đoàn trong thời gian tới”.

Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy

VRG cần xây dựng hệ sinh thái ngành cao su, bao gồm các ngành kinh doanh chính và các ngành phụ trợ cho hoạt động sản xuất; hình thành các nhà máy, các trung tâm chế biến cao su, chế biến sản phẩm cao su, chế biến gỗ tiên tiến, hiện đại phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, phát triển sản phẩm mang thương hiệu VRG theo hướng chuẩn đồng bộ, có thương hiệu, bản sắc riêng của Tập đoàn và vươn tầm quốc tế./.

PHÚC KHANG