Tăng cường công khai, minh bạch trong đầu tư công
Đối nội - Ngày đăng : 19:05, 17/11/2018
(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, chiều 16/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, các đại biểu còn nhiều băn khoăn về Dự án Luật này.
Cần đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện khi sửa Luật
Ngay từ việc đánh giá tác động, xác định phạm vi sửa đổi của Dự án Luật đã có nhiều đại biểu cho ý kiến.
Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tên Dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất tên gọi của Luật là Luật Đầu tư công (sửa đổi), theo đó sửa đổi toàn diện, một số nội dung đổi mới về chính sách.
Không đồng tình với phạm vi sửa đổi tại Dự thảo Luật, một số đại biểu đề nghị giữ phạm vi sửa đổi như quy định tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, chưa sửa đổi toàn diện.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé(tỉnh Kiên Giang) cho rằng, Luật ban hành và có hiệu lực 3 năm nhưng các văn bản hướng dẫn mới ban hành 1 năm trở lại đây nên việc đánh giá tác động triển khai thực hiện luật là chưa toàn diện, chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều thật sự cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có chỉ đạo, hướng dẫn thi hành Luật rõ ràng, kịp thời để pháp luật về đầu tư công được thực hiện tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé thảo luận tại hội trường- Ảnh:quochoi.vn |
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn khi Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng, có liên quan, tác động trực tiếp đến nguồn lực ngân sách, an ninh tài chính quốc gia nhưng đây cũng là một trong những luật có “đời sống” ngắn nhất khi vừa áp dụng được 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung; một số quy định chưa bao quát được hết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đại biểu đề nghị ở lần sửa đổi này cần đánh giá một cách bao quát, đầy đủ các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, theo đó cần khắc phục một cách triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền, tránh tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.
Về phạm vi sửa đổi, đại biểu cho rằng vấn đề không phải là sửa đổi toàn diện hay chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều mà quan trọng là phải lựa chọn những vấn đề thực sự cần thiết, thực sự bức thiết để đưa vào sửa đổi, tuyệt đối không đưa vào Dự thảo Luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng nhưng cũng không cứng nhắc để nếu thấy rằng có những quy định là vật cản cho quá trình phát triển mà không đưa vào phạm vi sửa đổi.
Góp ý và Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thẳng thắn chỉ rõ: Việc đánh giá tác động rất quan trọng để xem chính sách hiện hành có cần phải thay đổi không và khi thay đổi thì chính sách thay thế có tốt hơn không. Nhưng Dự án Luật đánh giá tác động chưa kỹ, chưa công bằng, cùng với việc ban hành hướng dẫn luật hiện hành chậm nên có chính sách mới áp dụng, thời gian chưa đủ dài để đánh giá. “Ban soạn thảo cần cân nhắc lại, đánh giá kỹ tác động trên nhiều mặt, những chính sách chưa chắc chắn là khi sửa đổi sẽ tốt hơn thì không nên sửa đổi”- đại biểu Hàm nói.
Công khai, minh bạch để tránh “khuất tất”
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công và việc theo dõi giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, tờ trình của Chính phủ đưa ra quan điểm xây dựng Luật là "nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc tránh thất thoát, lãng phí". Tuy nhiên, quan điểm này chưa được thể hiện rõ trong nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư công lần này. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung này.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định: "Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quyết định đầu tư được phép quyết định hình thức tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư nơi dự án thực hiện" sẽ dễ dẫn đến việc tùy tiện và việc xin ý kiến cộng đồng dân cư có thể trở nên hình thức, không hiệu quả.
Cũng quan tâm tới vấn đề công khai, minh bạch trong đầu tư công, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, dự án đầu tư công sử dụng tiền công thì phải công khai cho người dân được biết chi tiết đầu tư làm gì. Quy định hiện hành đã có Điều 14 về công khai, minh bạch trong đầu tư công nhưng trong đó chỉ có các quy định chung còn những vấn đề người dân cần biết, quan tâm thì chưa thấy.
Đại biểu Hoàng Văn Cường thảo luận tại hội trường- Ảnh: quochoi.vn |
N. HỒNG