Chính phủ cho ý kiến đối với 3 dự án Luật, đề nghị xây dựng 3 Luật
Pháp luật - Ngày đăng : 22:17, 24/06/2024
Tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 3 dự án Luật: Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; đề nghị xây dựng 3 Luật: Luật Phòng bệnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Dữ liệu.
Chấm dứt tình trạng "xin - cho" trong quản lý hoạt động hóa chất
Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) với các yêu cầu cụ thể như:
Hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hóa chất năm 2007; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật này; tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cá nhân, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật; đẩy mạnh công tác truyền thông về dự án Luật, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Hoàn thiện nội dung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, bảo đảm nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý để thực hiện.
Rà soát các quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, không phát sinh các "khâu trung gian", phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính không hợp lý, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp; không hợp thức hóa sai phạm trong quản lý nhà nước (nếu có).
Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về hóa chất theo nguyên tắc "một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện"; không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hóa chất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hóa chất và Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng nhằm phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, chấm dứt tình trạng "xin - cho" trong quản lý hoạt động hóa chất.
Rà soát các quy định về hóa chất tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật; đối với các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, áp dụng ổn định thì pháp điển thành các quy định của Luật. Dự thảo Luật chỉ quy định giao Chính phủ, các Bộ ban hành văn bản quy định chi tiết đúng với tính chất "ủy quyền lập pháp" về các vấn đề chưa có tính ổn định cao, cần tiếp tục điều chỉnh trong quá trình thực hiện hoặc các vấn đề mang tính kỹ thuật chuyên ngành không cần thiết quy định trong luật; đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không giao quy định chi tiết, Chính phủ ban hành theo thẩm quyền để quản lý hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất.
Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng điều chỉnh, tháo gỡ đồng bộ các vướng mắc, tồn tại của quy định hiện hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Rà soát quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, thành phần hồ sơ, giảm gánh nặng về thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện; quy định rõ trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Rà soát quy định về chủ thể xây dựng, thẩm định, công bố, xuất bản tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), quy chuẩn quốc gia (QCVN), quy chuẩn địa phương (QCĐP)... theo hướng: Đối với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành giao thì các Bộ xây dựng, công bố, thẩm định, ban hành, xuất bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quản lý nhà nước của mình; các Bộ lấy ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành nhằm bảo đảm sự quản lý nhà nước thống nhất về các vấn đề mang tính chuyên ngành, tăng cường trách nhiệm của các Bộ, cải cách thủ tục hành chính.
Rà soát các quy định về thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn hợp lý, không khả thi, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm và bảo vệ việc thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Hoàn thiện các quy định về phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm của các cấp trong quản lý nhà nước, giữa cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, giữa các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, gắn với bảo đảm tăng cường nguồn lực, năng lực thực thi pháp luật cho các địa phương, cơ quan, tổ chức; đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, các biểu hiện vi phạm pháp luật khác.
Tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn; đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách và nội dung của dự thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, tổ chức, cơ quan có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo Luật.
Hoàn thiện các quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng
Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm các yêu cầu:
Quy định rõ các điều kiện, yêu cầu đặc thù của loại hình quảng cáo trên môi trường mạng, quảng cáo xuyên biên giới, các chế tài nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật, chống thất thu thế, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Rà soát, nghiên cứu quy định về diện tích quảng cáo trên báo in và quảng cáo trên báo nói, thời lượng quảng cáo trên truyền hình theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, có sự linh hoạt về tỷ lệ diện tích, thời lượng quảng cáo và công khai, minh bạch nội dung này để người dân, doanh nghiệp lựa chọn.
Quy định về cấp giấy phép công trình xây dựng quảng cáo: việc gắn bảng hiệu, biển quảng cáo lên các với công trình xây dựng có sẵn cần bảo đảm sự an toàn của công trình, cũng như của các công trình lân cận và sự an toàn của cộng đồng nói chung. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu quy định về vấn đề này nhằm cắt giảm thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, bên cạnh đó quy định các chế tài để ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm, bảo đảm sự an toàn của công trình, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, sự an toàn của biển hiệu, bảng quảng cáo; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, chịu trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật...
Nội dung sản phẩm quảng cáo phải trung thực, chính xác, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không trái pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như thuốc, thực phẩm...
Nghiên cứu, xây dựng các quy định về quảng cáo cho người yếu thế, trẻ em, người cao tuổi, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần...
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm và bảo vệ việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát để cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này…/.