Cân nhắc áp dụng thuế suất 0% với mặt hàng phân bón
Tài chính - Ngày đăng : 12:13, 25/06/2024
Không thể bắt nông dân cũng như doanh nghiệp chịu thuế đầu vào
Chiều 24/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, việc Chính phủ đề xuất quy định áp dụng thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón tiếp tục là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận sôi nổi.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) phân tích, qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên nhiều nước đều thiết kế chính sách theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác.
Ở Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu tăng thuế GTGT riêng đối với mặt hàng phân bón sẽ tăng thu ngân sách khoảng 6.200 tỷ đồng, chưa nói tới các mặt hàng máy móc, thiết bị nông nghiệp. “Nguồn thu này phải chăng là nguồn thu từ nông nghiệp và nông dân?” - đại biểu đặt câu hỏi và cho rằng: Muốn khuyến khích thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phải giảm thuế GTGT, tăng thuế GTGT sẽ làm tăng giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Khi tăng giá đầu vào sẽ làm tăng giá sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, làm tăng chi phí của người nông dân.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) bày tỏ không đồng tình với lập luận của Cơ quan soạn thảo khi cho rằng, các DN sản xuất phân bón gặp bất lợi vì không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất phân bón. Khoản này được tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng và lợi nhuận giảm, gây bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Theo đại biểu, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước là rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ về việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Bởi phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời là 1 trong 9 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cũng cho rằng, lập luận đánh thuế để giảm giá phân bón xuống là không thuyết phục.
Đại biểu chỉ rõ, ngay trong đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, từ tháng 1/2015, khi thuế phân bón còn 0% lập tức giá phân bón giảm xuống 500.000 đồng/tấn và tiếp tục giảm đến năm 2018 giá mới tăng do Nhà máy Điện đạm Phú Mỹ không hoạt động. Những năm gần đây giá phân bón tăng chủ yếu là do xung đột giữa Nga và Ukraine.
Không thể có lý do gì để nói rằng chúng ta tăng thuế mà lại có khả năng giảm giá. Chúng ta nhìn thấy hậu quả ngay, không thể nói tăng thuế như thế là bà con nông dân được hưởng lợi
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường
“Nếu áp thuế GTGT phân bón 5% ngân sách sẽ thu được khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng, bù trừ cho các DN sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng, ngân sách còn khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng. Rõ ràng tiền này là lấy từ nông dân vì bà con phải trả tiền nhiều hơn. Điều này cho thấy sự bất hợp lý ở chỗ, thuế GTGT chuyển từ chỗ không được khấu trừ đầu vào của DN sang không được khấu trừ đầu vào của nông dân. Luật không thể bắt nông dân cũng như DN phân bón phải chịu thuế đầu vào này” - đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích và đề nghị nên áp dụng thuế GTGT cho phân bón là 0% và các DN sản xuất phân bón được hoàn thuế GTGT đầu vào.
Có nhiều cách hỗ trợ, không nên hy sinh lợi ích của nông dân
Nhấn mạnh sự mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề “nóng” của nông nghiệp”, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cũng cho rằng, trước sự lựa chọn giữa cái "được" và cái "mất", việc đưa phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 0% là Chính phủ đã hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng cho nông dân và DN.
Đây được xem như một trong những hành động của Chính phủ nhằm cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN, góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, ổn định thị trường phân bón trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) phân tích, việc lập luận là khi chuyển sang đối tượng chịu GTGT thì DN được khấu trừ đầu vào sẽ giảm giá thành sản phẩm và giảm giá bán cho nông dân - chỉ là lý thuyết trong điều kiện nền kinh tế tập trung kế hoạch.
Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, phân bón nước ta có 4 nhà sản xuất chính đã hội nhập hoàn toàn với quốc tế, giá sản phẩm do thị trường thế giới quyết định. “Nếu giá trong nước thấp thì DN sẵn sàng xuất khẩu để thu lợi nhuận tối đa, không thể đòi hỏi DN phải hy sinh lợi ích chính đáng này của họ. Người nông dân luôn phải mua vật tư theo giá thị trường thế giới, cộng thêm thuế nếu có. Do vậy, nếu tăng thuế này là tăng chi phí đầu vào cho nông nghiệp” - đại biểu Lâm nhấn mạnh.
Ủng hộ chính sách của Nhà nước cần hỗ trợ để DN và sản phẩm trong nước cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với các nhà sản xuất và hàng ngoại nhập song theo đại biểu Trần Văn Lâm, có nhiều cách để hỗ trợ, không nhất thiết phải hy sinh lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, của ngành nông nghiệp, của khu vực nông thôn để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong đó, việc đưa mặt hàng trên vào đối tượng chịu thuế suất 0% thì DN sẽ được hoàn đầu vào mà không gây thiệt hại gì cho nông dân.