Giữ “sức khỏe” cho đất…

Xã hội - Ngày đăng : 22:50, 25/06/2024

(BKTO) – Sản xuất nông nghiệp đang đứng trước những thách thức lớn để hướng đến phát triển bền vững khi tình trạng đất suy kiệt, nghèo dinh dưỡng ngày càng đáng báo động… Tình trạng này chậm được cải thiện sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, cũng như lợi ích mang lại từ ngành được coi là trụ đỡ của nền kinh tế.
sa-mac-hoa-dat-dai.jpg
"Sức khỏe" của đất sản xuất đang đáng báo động... Ảnh ST

Đáng báo động…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tại Việt Nam, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thuộc loại thấp nhất trên thế giới, chỉ 0,25ha. Trong khi đó, sức khỏe đất cũng đang... có vấn đề. Phần lớn các nhóm đất Việt Nam là các nhóm đất có vấn đề với 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất chất dinh dưỡng. Cùng với tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên đất, đặc biệt là đất sản xuất đang được đặt ra ngày càng bức thiết. 

PGS.TS Vũ Năng Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam cho rằng, thực trạng đất sản xuất nông nghiệp rất đáng báo động. Trong đó,  quản lý đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng vẫn tập trung vào quản lý hành chính, chưa phải là quản trị đất đai nên vấn đề sử dụng đất sản xuất, gắn với nâng cao chất lượng đất là chưa được chú trọng.

Theo PGS.TS Vũ Năng Dũng, đơn cử như đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta dùng cơ giới hóa nhiều, lạm dụng phân hóa học nên đất bị nén chặt, độ xốp giảm đi, khả năng giữ nước, thoát nước rất kém khiến rễ cây khó hút dinh dưỡng… Một diện tích lớn cây ăn quả nhiễm bệnh tại đây cũng xuất phát từ nguyên nhân căn cơ này.

dsc_5344.jpg
Tại vùng sông Cửu Long, tình trạng cơ giới hóa, lạm dụng phân hóa học khiến đất bị nén chặt, giảm độ xốp, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Ảnh: N.Lộc

“Tốc độ suy thoái đất rõ rệt nhất rơi vào những vùng có địa hình phức tạp như Trung du miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên, nơi thâm canh cây công nghiệp và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu…” - ông Dũng cho biết.

Từ thực tiễn tại địa phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang) Võ Văn Men cho biết, các diện tích trồng lúa, cây ăn trái… của tỉnh đều có mức độ thâm canh rất cao, trong khi phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm, cùng với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang làm cho đất nông nghiệp ở Tiền Giang ngày càng suy kiệt.

Tình trạng đất trồng trọt ở Việt Nam bị thoái hóa đang có xu hướng gia tăng, hiện có gần 2 triệu ha nghèo dinh dưỡng. Tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại 3 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung

Không chỉ diễn ra với đất canh tác lúa nước, tình trạng thoái hóa đất cũng đáng báo động cả với loại hình thoái hóa tự nhiên (hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc đất nhiễm mặn và hoang mạc đất nhiễm phèn...) và thoái hóa do tác động của con người (phá rừng, xây dựng các hồ chứa, các công trình thủy điện...).

nong-dan-phun-thuoc-tru-sau.jpeg
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là một trong những nguyên nhân khiến đất bị nghèo dinh dưỡng. Ảnh ST

Đáng chú ý, ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cũng đáng báo động, khi hủy hoại hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, ảnh hưởng đến cây trồng.

“Khi “sức khỏe” đất bị suy yếu kết hợp với sự hoạt động mạnh của các vi sinh vật có hại, sẽ khiến cho cây trồng không hấp thu được dinh dưỡng từ đất dẫn đến kém phát triển hoặc chết” - Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa Nguyễn Quang Hải  cảnh báo. 

Cải thiện “sức khỏe” của đất

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông nghiệp được coi là trụ đỡ nền kinh tế, song vì nhiều lý do chúng ta chưa thực sự chú ý đến vấn đề dinh dưỡng trong đất. 

        Có tới 95% sản lượng lương thực toàn cầu phụ thuộc vào đất. Tuy nhiên, ước tính 1/3 diện tích đất trên thế giới đã bị suy thoái. Xói mòn đất có thể dẫn đến thiệt hại 10% sản lượng cây trồng vào năm 2050.

Bộ NNPTNT

Trước tình hình đó, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu của Bộ phối hợp với các địa phương, đặc biệt là với các doanh nghiệp xác định đất đang bị nghèo dinh dưỡng, bị ô nhiễm, bị sa mạc hóa…

Khi đã đánh giá được hiện trạng, tìm hiểu được nguyên nhân sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp để bảo vệ đất trồng và cải thiện "sức khỏe" đất.

Tại hội nghị bàn về hiện trạng và định hướng quản lý "sức khỏe" đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, để bảo vệ đất trồng và nâng cao “sức khỏe” đất, trước hết phải nâng cao nhận thức của các cấp ngành, người dân, doanh nghiệp về sự quan trọng của đất sản xuất đối với an ninh lương thực và phát triển bền vững. Đồng thời, phải rà soát, xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến chất lượng đất.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các quy trình canh tác phù hợp với từng loại đất, từng loại cây trồng và có biện pháp cải tạo độ phì, bổ sung dinh dưỡng cho đất; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số trong quản lý đất đai, trong đó có đất nông nghiệp.

asc_7729.jpg
Cần đánh giá thổ nhưỡng và nghiên cứu chuyển đổi cây trồng phù hợp. Ảnh: N.Lộc

Điều đáng mừng là hiện nay nhiều doanh nghiệp đã ý thức hơn về vấn đề bảo vệ “sức khỏe” đất sản xuất, từ đó có giải pháp phù hợp cho sản xuất bền vững. Điển hình là dự án theo dõi các chỉ số sức khỏe đất trong 3 năm (2021-2023) trên 150ha đất trồng do một doanh nghiệp triển khai tại tỉnh Gia Lai, nhằm đánh giá hiệu quả của các giải pháp canh tác bền vững, bao gồm việc sử dụng phân bón, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và "sức khỏe" đất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đang tập trung phát triển các dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới, bao gồm phân bón hữu cơ, phân khoáng hữu cơ và phân bón chứa vi sinh vật có lợi cho đất và giảm thiểu tác động đến môi trường.

dsc_6007.jpg
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để tận dụng đất quá mặn, quá phèn vào sản xuất. Ảnh: N.Lộc

Chuyển dịch, tái cơ cấu theo hướng hữu cơ, phát triển nông nghiệp sinh thái cũng chính là hướng đi đang được ngành nông nghiệp tập trung triển khai. Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, đây là nhiệm vụ khó, cần có thời gian. Trước hết cần phải quy hoạch các vùng sản xuất theo hướng hữu cơ, giúp môi trường đất tốt lên. Sau đó mới thiết lập các tiêu chuẩn cho các vùng sản xuất. 

       Đất đai không thể đẻ thêm được nên phải đầu tư nhiều hơn vào khoa học kỹ thuật phát triển để có thể sử dụng đất dốc, sử dụng đất quá mặn, quá phèn. Bộ NNPTNT cần tăng cường nghiên cứu về đất, về dinh dưỡng cây trồng và đất đai...

PGS.TS Vũ Năng Dũng

Đồng tình với các giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra, các chuyên gia lưu ý, để nâng cao “sức khỏe” cho đất, cần rà soát, xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ thực hiện các biện pháp cải tạo đất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển nhanh hoạt động dịch vụ nông nghiệp.

Trong đó, cần phải quy hoạch rõ ràng, thay đổi cơ cấu trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện nay trên cơ sở đánh giá sự phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và nghiên cứu chuyển đổi cây trồng phù hợp. 

Đồng thời, có những chính sách khuyến khích áp dụng các biện pháp, mô hình, hệ thống canh tác nhằm mục tiêu bảo đảm “sức khỏe” đất hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

N.LỘC