Đề xuất gia hạn khoản vay gần 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines
Kinh tế - Ngày đăng : 22:55, 25/06/2024
Chiều 25/6, Chính phủ trình Quốc hội phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho VNA.
VNA đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2020-2022, VNA đã triển khai và hoàn thành Gói hỗ trợ về thanh khoản quy mô 12.000 tỷ đồng (Vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỷ đồng và Phát hành cổ phiếu tăng vốn 8.000 tỷ đồng) và đạt được các kết quả tích cực. Theo đó, VNA thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán và nguy cơ phá sản trong năm 2021; đảm bảo vốn chủ sở hữu năm 2021 không bị âm; giúp VNA đàm phán giãn hoãn thanh toán và cắt giảm chi phí; đồng thời duy trì hoạt động liên tục của VNA để xảy ra hệ lụy nghiêm trọng.
VNA đã chủ động báo cáo kiến nghị Kiểm toán nhà nước kiểm toán gói hỗ trợ trong năm 2023. Đoàn công tác của Kiểm toán nhà nước đánh giá, gói hỗ trợ đã được VNA quản lý, sử dụng theo mục đích, các giải pháp hỗ trợ đã phát huy tác dụng, góp phần cải thiện khả năng thanh toán và duy trì hoạt động của VNA trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, khoản vay tái cấp vốn đã được VNA triển khai vào năm 2021 và từ tháng 7-12/2024 VNA phải trả khoản vay này. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh khó lường và tác động đến VNA nặng nề hơn so với các dự báo tại thời điểm xây dựng Nghị quyết Quốc hội.
Thêm vào đó, các giải pháp tái cơ cấu của VNA đến nay chưa hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc pháp lý, vì vậy, VNA cần được các cấp thẩm quyền cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn để hỗ trợ VNA có thời gian triển khai tái cơ cấu thành công, giúp VNA tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong năm 2024, không xảy ra các hệ lụy nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, Hãng hàng không quốc gia, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, duy trì việc làm cho hàng nghìn người lao động, tạo hiệu ứng kích cầu sử dụng lao động trong các ngành khác như du lịch, dịch vụ… góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
“Trường hợp VNA không được gia hạn khoản vay tái cấp vốn, VNA sẽ phải đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán từ tháng 07/2024, có nguy cơ không thực hiện được các cam kết của VNA với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ dẫn đến VNA có thể bị kiện, giảm uy tín với các đối tác, phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng” - Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết.
Trước tình hình trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 03 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 05 năm (bao gồm 02 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội); lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.
Việc gia hạn dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng được thực hiện sau khi các tổ chức tín dụng gia hạn thời hạn trả nợ đối với khoản vay của VNA theo Nghị quyết số 135.
Tính toán kỹ giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho VNA.
Ủy ban Kinh tế thấy rằng, tình thế đối với VNA hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của VNA - là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này.
Cơ quan thẩm tra cũng đồng tình với phương án Chính phủ đề xuất gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn cho VNA. Tuy nhiên, Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, tránh trường hợp quá gấp, không đúng thời hạn quy định để báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh Chương trình Kỳ họp và cho ý kiến đối với nội dung này.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của VNA, bổ sung, đánh giá rõ hơn về khả năng, tính khả thi khi thực hiện một số biện pháp khác kết hợp với phương án gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn để bảo đảm tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực tài chính, bảo đảm hoạt động liên tục của VNA.
Cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu Chính phủ cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho VNA, bao gồm cả nguồn từ khoản vay tái cấp vốn nếu được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay này.
Thảo luận tại Tổ về nội dung này ngay sau đó, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho VNA.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình), câu chuyện lần này của VNA đặt ra trên cơ sở cân nhắc về lợi ích và chi phí, nếu không thực hiện phương án gia hạn trả nợ thì sẽ tổn hại rất lớn đến sự tồn tại của VNA. “Trong bối cảnh hiện nay không còn giải pháp nào khả thi hơn giải pháp này, vì đây là vấn đề rất cấp thiết. Chẳng hạn như so với giải pháp cấp vốn cho chủ sở hữu thì thời gian có thể tính đến hàng năm, không kịp thời để giải quyết được các vấn đề của VNA” - đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo VNA thông tin rộng rãi hơn, đầy đủ hơn về những nỗ lực của Tổng công ty trong việc vượt khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh song vì những lý do bất khả kháng nên mới rơi vào hoàn cảnh như hiện nay, tránh để xảy ra hiểu nhầm là DN vốn nhà nước cứ kinh doanh mà không nỗ lực, khi gặp khó khăn lại nhờ Nhà nước.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Đức Duy (Đoàn Yên Bái) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan chủ trì phối hợp với VNA nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành quy định hoặc hướng dẫn về cơ chế tài chính đối đơn vị này.
“Chính phủ nên có cơ chế tài chính theo hướng tách bạch giữa hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của VNA với tư cách là doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác ngành hàng không. Đồng thời có phương thức đặt hàng hoặc có cơ chế hỗ trợ tài chính đối với những nhiệm vụ VNA phải thực hiện để bảo đảm nhiệm vụ chính trị cho sự phát triển kinh tế, xã hội theo yêu cầu của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền” - đại biểu Duy đề xuất và cho rằng, nếu giải quyết được như vậy sẽ bảo đảm được tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, về lâu dài sẽ không cần hỗ trợ như khoản vay tái cấp vốn thời gian vừa qua.