Bảo đảm ý nghĩa của việc tăng lương…
Xã hội - Ngày đăng : 22:55, 25/06/2024
Mức điều chỉnh tiền lương rất hợp lý và tối ưu
Chiều 25/6, sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về thực hiện cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Qua thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Theo các đại biểu, những nội dung cải cách tiền lương cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Đặc biệt, khi có thông tin về cải cách tiền lương, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhận được nhiều thông tin phản hồi tích cực từ cử tri và nhân dân.
Đánh giá cao việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, các khoản trợ cấp, đại biểu Đỗ Đức Duy - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng, trong tổng thể điều chỉnh trợ cấp về tiền lương, Chính phủ đã ưu tiên dành mức điều chỉnh cao nhất trợ cấp ưu đãi người có công và điều chỉnh mức xã hội. Đây cũng là nội dung mà cử tri đã phản ánh nhiều lần và lần này Chính phủ đã có mức điều chỉnh cao nhất nên được cử tri và nhân dân rất đồng tình, phấn khởi.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đánh giá, việc thực hiện cải cách tiền lương lần này của Chính phủ đã bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; bảo đảm tương quan cân đối công bằng bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực để nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mặc dù chúng ta chưa thực hiện được hết tất cả các nội dung theo Nghị quyết số 27 nhưng mức tiền lương đưa ra đã cải thiện rất đáng kể cho cán bộ, công chức, người lao động khối Nhà nước với mức điều chỉnh rất hợp lý và tối ưu.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) thì kỳ vọng, cùng với lực cầu từ tăng đầu tư công đang được Chính phủ triển khai hiện nay thì khi thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp xã hội từ 01/7 tới sẽ tạo thêm lực đẩy nữa từ kích cầu tiêu dùng. Hai lực cầu này chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó làm tăng tăng trưởng của nền kinh tế.
Đồng hành tăng lương với kiềm chế lạm phát
Nhấn mạnh việc tăng lương là mong mỏi rất lớn của cử tri và nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội cùng quan điểm cho rằng, đồng hành với việc cải cách tiền lương thì Chính phủ cần thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát, giúp cho đội ngũ người lao động, cán bộ công chức khi cải cách tiền lương được nâng cao mức sống.
Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu), thực tiễn cho thấy, mỗi khi cải cách tiền lương, có khi lương chưa được nhận nhưng giá cả và lạm phát đã tăng rất cao. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ phải tính toán, điều tiết hợp lý về tỷ lệ lạm phát với phát triển kinh tế - xã hội, để đảm bảo tăng lương nhưng vật giá không bị lạm phát, khi đó việc thực hiện chính sách tăng lương mới có ý nghĩa thực chất trong việc cải thiện đời sống vật chất với cán bộ, công chức cũng như các đối tượng bảo trợ xã hội.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cũng cho rằng, cơ cấu ngân sách để thực hiện chính sách tiền lương ở mỗi địa phương là khác nhau. Có những địa phương nguồn quỹ cho cải cách tiền lương dồi dào nhưng cũng có những địa phương rất khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần tính toán các kịch bản, các chính sách hỗ trợ các địa phương còn khó khăn có điều kiện thực hiện chính sách tiền lương, để bảo đảm chính sách này được thực hiện đồng bộ.
Theo báo cáo của Chính phủ, 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, gồm: Từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang; từ nguồn ngân sách Trung ương; từ một phần nguồn thu sự nghiệp; từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên; từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.
Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) đề nghị, Chính phủ cần xem xét, đánh giá một số tác động ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát, bởi khi tăng tiền lương có nghĩa sẽ làm tăng chi tiêu công hoặc cũng có thể làm tăng nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng.
Cùng với đó, cần xem xét các yếu tố tác động đến giá cả các mặt hàng chiến lược, kể cả từ bên trong và bên ngoài. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn, thì những yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, đặc biệt khi phải nhập nhiều nguồn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước. Do đó, cần có những chính sách để hỗ trợ, kiểm soát nhằm hạn chế tác động của giá trên thế giới đến thị trường trong nước. Đồng thời, cần thực hiện tốt các chính sách về tài khóa, tiền tệ nhằm kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đại biểu Đỗ Đức Duy thì kiến nghị, đồng thời với việc thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh nâng lương và khoản trợ cấp thì Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương rà soát để điều chỉnh hợp lý theo lộ trình mức khoán phụ cấp hàng tháng đối với một số chức danh hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, những người làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công theo cơ chế khoán theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ và gần đây nhất là đối tượng những người là thành viên của tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.