Minh bạch đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:27, 27/06/2024

(BKTO) - Với mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị rà soát, làm rõ đối tượng không chịu thuế để bảo đảm minh bạch, dễ thực hiện…
10-1.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Quy định đầy đủ hơn về dịch vụ tài chính phái sinh

Qua thảo luận, đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện pháp luật về thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội…

Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang), việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đối tượng không chịu thuế và nhiều nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm nhất quán các thuật ngữ, khái niệm quy định tại các luật chuyên ngành như: Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Các tổ chức tín dụng... là phù hợp, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì còn một số trường hợp khác như: Các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hợp tác xã... Chính vì vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị, cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ hơn cơ sở pháp lý và đánh giá tác động đối với việc xác định các trường hợp đã được quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP mà không được tiếp tục cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào và đầu ra không phải tính thuế GTGT như Dự thảo Luật xác định.

Liên quan đến đối tượng không chịu thuế GTGT là các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ rõ, Dự thảo Luật quy định, một trong những đối tượng không chịu thuế là dịch vụ tài chính phái sinh, bao gồm: Hoán đổi lãi suất, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn mua, bán ngoại tệ, dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu Tiến, quy định này chưa đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, có thể gây ra cách hiểu không thống nhất trong việc áp dụng chính sách thuế GTGT. Bởi ngoài lĩnh vực ngân hàng, các sản phẩm, giao dịch công cụ phái sinh còn hiện diện trong các lĩnh vực chứng khoán, thương mại...

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) nhấn mạnh: "Trong Luật Thuế lần này có quy định về các dịch vụ tài chính phái sinh thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, tôi rất đồng tình. Bởi lẽ, chi phí dịch vụ tài chính phái sinh không làm tăng giá trị sản phẩm lên, cho nên không thể tính vào giá bán sản phẩm". Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy định như vậy còn thiếu, chưa đầy đủ, chủ yếu mới dừng lại ở nhóm của các ngân hàng, còn các dịch vụ tài chính phái sinh ở lĩnh vực chứng khoán, ở các lĩnh vực giao dịch hàng hóa cần phải rà soát và đề cập đầy đủ vào Dự án Luật.

Cân nhắc việc miễn thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ

Trong bối cảnh lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần, trong thời gian qua, nhiều ĐBQH đề nghị Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc quy định về miễn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ.

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, mặc dù không được quy định trong Luật song trên thực tế, việc miễn thuế GTGT gắn với miễn thuế nhập khẩu hiện cũng được thực hiện đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh (theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg). Tuy nhiên, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn: Shopee, Lazada, Tiki, TikTok… Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. “Đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay, giải trình cơ sở pháp lý của Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg đối với nội dung nêu trên” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra Dự án Luật.

Đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) nhấn mạnh, trung bình có khoảng 4-5 triệu đơn hàng một ngày và mỗi đơn hàng chỉ có từ 100.000-300.000 đồng nhưng tính ra là một số lượng rất lớn. Trung bình khoảng 45-63 triệu USD mỗi ngày và 1 tháng có khoảng 1,3 đến 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử thì đó là con số không nhỏ. “Vì vậy, nếu miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT, chỉ nên miễn trong trường hợp hàng hóa giá trị nhỏ được mang theo người khi nhập cảnh qua cửa khẩu” - đại biểu đề xuất.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) thì đề nghị bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống hiện đang được thực hiện theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg. Bởi theo đại biểu, nếu tiếp tục miễn thuế thì ngân sách nhà nước sẽ thất thu một khoản khá lớn, hơn nữa còn tạo điều kiện cho hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam. Quy định này cũng không đảm bảo sự công bằng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu, vì hàng hóa trong nước khi sản xuất ra về nguyên tắc vẫn bị điều tiết bởi thuế GTGT, trong khi hàng hóa nhập khẩu lại không chịu loại thuế này trong giá bán. Mặt khác, hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng xuất khẩu nên việc thực hiện quy định này không phù hợp với xu hướng của thế giới./.

Liên quan đến đối tượng không chịu thuế GTGT, Dự thảo Luật giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.

Đ. KHOA