Thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 12:37, 27/06/2024

(BKTO) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) là 126 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 34 nhiệm vụ và đang thực hiện 92 nhiệm vụ.
1717377504312_bhxh(1).jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: molisa.vn

Theo Bộ LĐTBXH, 6 tháng đầu năm 2024, có trên 795 ngàn lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng 5,38% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số người được hỗ trợ học nghề trên 8 ngàn người. Trên 65 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 52,7%.

Tính đến hết tháng 4/2024, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt hơn 14 triệu người, tăng 1,74% so với cùng kỳ năm 2023, ước chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 1.954 tỷ đồng. Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức thành công Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024 tại Hà Nội.

Về chăm sóc người có công với cách mạng, Bộ LĐTBXH dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6/2024 dự thảo Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, Bộ đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc trình Chủ tịch nước tặng quà cho người có công với cách mạng, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Trong 05 tháng đầu năm 2024, Bộ LĐTBXH đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 133 bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại 4.400 Bằng Tổ quốc ghi công; cấp trích lục 69 hồ sơ liệt sĩ; tra cứu hơn 4.300 bộ hồ sơ; thực hiện tiếp nhận 453 mẫu hài cốt liệt sĩ để giám định ADN.

Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2024, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo thực hiện trợ cấp xã hội cho 3,387 triệu người; trợ giúp đột xuất cho 19 tỉnh có đề nghị Trung ương hỗ trợ; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 06 Quyết định hỗ trợ trên 13 ngàn tấn gạo cho gần 150 ngàn lượt hộ với gần 900 ngàn nhân khẩu.

Đến nay, đã có 61/63 tỉnh, thành phố thực hiện chi trả qua tổ chức dịch vụ chi trả và 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội.

Theo chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2024, Bộ LĐTBXH phải xây dựng 31 văn bản, bao gồm: 01 dự án luật, 05 nghị định, 03 quyết định và 22 thông tư. Đến nay, Bộ đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8.

Hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Đối với công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và chuyển đổi số, theo Quyết định số 144/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH phải cắt giảm, đơn giản hoá 13 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, gồm: 12 thủ tục hành chính, 01 yêu cầu, điều kiện, số văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi; bổ sung 6 văn bản gồm: 2 nghị định, 4 thông tư, thông tư liên tịch.

Bên cạnh đó, Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ LĐTBXH đã kết nối, liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện tại, đã có 8,5 nghìn doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng tài khoản thông qua Cổng Dịch vụ công, đồng bộ gần 214 nghìn hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Cổng dịch vụ công của Bộ cung cấp 56 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 18 dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia thuộc các lĩnh vực, lao động – việc làm, bảo trợ xã hội.

Hiện nay, Bộ LĐTBXH cũng đang đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) của ngành, triển khai thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp tục duy trì việc kết nối, xác thực thông tin, chuẩn hóa và đồng bộ CSDL về trẻ em, CSDL bảo trợ xã hội, CSDL hộ nghèo, hộ cận nghèo với CSDLQG về dân cư; thực hiện kết nối, chia sẻ CSDL người có công và CSDL lao động, việc làm với CSDL quốc gia về dân cư; triển khai kết nối dịch vụ công Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí với các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công.

Trong nửa cuối năm 2024, Bộ LĐTBXH sẽ bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung cao cho công tác xây dựng thể chế, rà soát lại toàn bộ kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và chỉ đạo của cấp trên liên quan đến nhiệm vụ được giao. Lấy đó làm kết quả để đánh giá xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của đơn vị.

Thủ trưởng các đơn vị rà soát lại tất cả các quyết định phân cấp, phân quyền, ủy quyền mà cấp trên đã giao, đặc biệt là các cấp phép liên quan tới việc làm, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, an toàn lao động và các cấp phép khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; khẩn trương hoàn thành toàn bộ sản phẩm giám định ADN danh tính hài cốt liệt sĩ; xây dựng phương án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để thân nhân liệt sỹ được giám định gen và giám định gen tất cả mộ liệt sỹ còn hài cốt, hướng tới hình thành ngân hàng ADN, trên tinh thần “làm một lần để cho các thế hệ sau”.

THÙY LÊ