Khắc phục bất cập chính sách đầu tư dự án PPP
Kinh tế - Ngày đăng : 13:44, 27/06/2024
Điều chỉnh quy mô vốn đầu tư dự án PPP từ 200 tỷ đồng trở lên
Nêu bất cập cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để thực hiện theo Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu phải đáp ứng đối với dự án PPP lớn hơn so với thực tiễn và nhu cầu thu hút đầu tư của địa phương. Điều này dẫn đến khó thu hút các dự án quy mô nhỏ có tiềm năng, hấp dẫn nhà đầu tư thông qua PPP.
Nghị định số 35/2021/NĐ-CP cũng quy định về việc cơ quan ký kết hợp đồng chỉ thanh toán tối đa 50% giá trị khối lượng đã hoàn thành đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP. Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thu xếp vốn để thực hiện toàn bộ dự án PPP.
Cùng với đó, quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành đối với các dự án PPP nói chung và dự án Xây dựng - Chuyển giao (BT) nói riêng cần được bổ sung để tháo gỡ vướng mắc trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, thanh toán, quyết toán, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và điều chỉnh thiết kế xây dựng...
Nêu rõ những bất cập trên, Bộ KHĐT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP. Đồng ý với đề nghị này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ KHĐT chủ trì xây dựng Nghị định và trình Chính phủ trong tháng 9/2024. Việc xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2021/NĐ-CP là cần thiết nhằm bảo đảm căn cứ pháp lý và phù hợp với thực tiễn - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, để khắc phục vướng mắc về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực giao thông vận tải, Nghị định sẽ sửa đổi “Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên”, thay vì mức quy định cụ thể là phải từ 1.500 tỷ đồng trở lên; đồng thời sửa đổi những mẫu phụ lục lập báo cáo nghiên cứu khả thi (cho đơn vị chuẩn bị dự án PPP) và mẫu phụ lục lập báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (cho cơ quan thẩm định).
Đại diện Bộ KHĐT cũng cho biết, liên quan đến công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khoản 2 Điều 28 của Nghị định được sửa đổi thành: Việc giao cho nhà đầu tư tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư… Trong trường hợp báo cáo nghiên cứu khả thi không được phê duyệt hoặc nhà đầu tư không được lựa chọn để thực hiện dự án, nhà đầu tư chịu mọi rủi ro, chi phí. Còn trường hợp sau khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư đề xuất dự án không được lựa chọn, chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ do nhà đầu tư được lựa chọn hoàn trả cho nhà đầu tư đề xuất.
Tính từ khi Luật PPP có hiệu lực đến hết năm 2022, trên cả nước có 24 dự án PPP mới, gồm 10 dự án đã được phê duyệt, 14 dự án đang chuẩn bị đầu tư thực hiện theo quy định của Luật PPP và 295 dự án PPP, trong đó có 160 dự án áp dụng loại hợp đồng BT, thực hiện theo quy định chuyển tiếp của Luật PPP.
Dự án chuyển tiếp vẫn được hưởng các ưu đãi
Đáng chú ý, đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng O&M (hợp đồng Kinh doanh - Quản lý), Ban soạn thảo cho biết sẽ bổ sung cụ thể trường hợp tổng mức đầu tư dự án bao gồm cả chi phí nộp ngân sách nhà nước (NSNN), sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền vào NSNN, nhà đầu tư được hoàn trả hoặc giải tỏa phần bảo đảm thực hiện hợp đồng với tỷ lệ tương ứng phần tiền nộp vào NSNN. Phần bảo đảm thực hiện hợp đồng còn lại được hoàn trả hoặc giải tỏa sau khi nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP hoàn thành nghĩa vụ còn lại theo hợp đồng.
Theo Ban soạn thảo, với trường hợp dự án PPP hình thành tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công, cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán của tiểu dự án làm cơ sở để phê duyệt các nội dung này đồng thời với hồ sơ mời thầu. Trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư, yêu cầu về khả năng huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay phải được đàm phán trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án giai đoạn phân kỳ và cam kết của nhà đầu tư, ngân hàng về khả năng huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay cho giai đoạn hoàn thiện. Còn với trường hợp dự án PPP hình thành tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc thanh toán đối với công trình hoàn thành của tiểu dự án thực hiện theo tiến độ, lộ trình tổng thể của dự án PPP theo thỏa thuận giữa cơ quan ký kết hợp đồng và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Liên quan đến chuyển tiếp dự án, Bộ KHĐT đang đưa ra 2 phương án. Một là, với trường hợp dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (bằng văn bản hành chính hoặc thông qua Quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch), phê duyệt đề xuất dự án, chấp thuận sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước… mà đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định tại Điều 101 của Luật PPP thì tiếp tục được áp dụng các ưu đãi, bảo đảm theo văn bản chấp thuận, phê duyệt đó. Hoặc là, Dự án PPP đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (bằng văn bản riêng hoặc theo Quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch), phê duyệt đề xuất dự án, chấp thuận sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước… đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định tại Điều 101 của Luật PPP thì tiếp tục được áp dụng các ưu đãi, bảo đảm theo văn bản được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc theo Quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch.
Đáng chú ý, Bộ KHĐT cũng đề xuất bổ sung quy định đối với dự án PPP đã ký kết hợp đồng trước ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành cần thực hiện biện pháp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng hợp đồng đã ký kết không có điều khoản quy định cụ thể việc được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì cho phép được thanh lý, chấm dứt hợp đồng trên cơ sở đồng thuận của các bên ký kết hợp đồng và đảm bảo lợi ích của Nhà nước./.