Ưu tiên các nguồn lực phát triển Thủ đô

Pháp luật - Ngày đăng : 10:29, 28/06/2024

(BKTO) - Sáng 28/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, với 95,06% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.
bieuquyet.jpg
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Đ. KHOA

Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD

Luật Thủ đô quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bên cạnh những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định, Luật quy định ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc.

Luật cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; trong khu vực TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm). Thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó, trường hợp ngân sách trung ương tăng thu so với dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách thành phố Hà Nội, ngân sách trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách Thành phố.

202406280824380831_z5580999663338_5eb90def84cc7587d16509e4b4110461.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.

Luật cho phép Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa, học công nghệ.

Đối với biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong một số lĩnh vực. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Quy định chặt chẽ nguyên tắc, điều kiện thanh toán hợp đồng BT

Báo cáo giải trình tiếp thu Dự thảo Luật trước khi Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, liên quan đến quy định về thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung này theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất, bảo đảm minh bạch, khả thi; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

tung-3.jpeg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Cụ thể là, xác định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dự án, thanh toán, quyết toán dự án và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với từng loại dự án đầu tư hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước và thanh toán bằng quỹ đất. Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, Dự thảo Luật xác định cụ thể các trường hợp được áp dụng, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư, nguồn vốn thanh toán và thời điểm thanh toán.

Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, Dự thảo Luật xác định rõ loại đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư, xác định thời điểm giao đất, thời điểm kinh doanh, khai thác dự án đối ứng có sử dụng đất.

Về việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng mở rộng các công trình, hạng mục công trình thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn Thành phố cũng được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và được nhượng quyền khai thác, quản lý.

Để tạo cơ sở cho việc thực hiện chủ trương xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, Dự thảo Luật quy định cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội, đơn vị sự nghiệp công lập có cơ sở trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác trên địa bàn Thành phố thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Đ. KHOA