Đổi mới tư duy, tận dụng công nghệ để nâng tầm doanh nghiệp

Đầu tư - Ngày đăng : 09:35, 19/11/2018

(BKTO) - Sử dụng công nghệ lạc hậu, ít chú trọng đổi mới công nghệ... là những lý do dẫn đến sự trì trệ, yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các DN tư nhân. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, các DN cần ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để nâng cao năng suất, tiến tới hội nhập.


Ứng dụng KHCN vào sản xuất không chỉ giúp tăng năng suất mà còn là “chìa khóa” giúp DN hội nhập - Ảnh: THẾ ANH
Khoa học công nghệ là “chìa khóa” hội nhập

Khẳng định vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân mà nòng cốt là các DN tư nhân, tại nhiều diễn đàn, các chuyên gia đều cho rằng, khu vực này đang phát triển chưa tương xứng với vai trò cũng như tiềm năng (thu hút đến 85% lực lượng lao động, nhưng chỉ đóng góp 40 - 43% GDP). Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này là sự hạn chế trong việc tiếp cận, ứng dụng KHCN vào sản xuất.

Tại Hội thảo “Vai trò của khoa học và công nghệ với phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, DN đã trao đổi về giải pháp thúc đẩy chuyển giao tri thức, sản phẩm KHCN giúp phát triển kinh tế tư nhân.

Dẫn khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2016, khi có đến gần 60% DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm, TS. Hồ Đình Bảo - Đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng, cần thiết phải thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ của DN. “Sự hạn chế về tư duy, thiếu định hướng kinh doanh cộng với việc chậm đổi mới công nghệ là những nguyên nhân lý giải vì sao DN Việt không thể lớn lên” - TS. Hồ Đình Bảo nói.

Chia sẻ khó khăn với các DN tư nhân, TS. Nguyễn Thị Như (Trường Đại học Hà Nội) cho rằng, lý do dẫn đến việc DN chưa có nhiều ứng dụng KHCN vào sản xuất, một phần là do thị trường KHCN ở Việt Nam chưa thực sự phát triển để giúp DN có thể tìm kiếm các công nghệ mà họ cần. “Trong bối cảnh KHCN ngày càng phát triển, kinh tế tư nhân muốn phát triển phải gắn với KHCN, mục tiêu không chỉ là tăng năng suất lao động mà đây còn là “chìa khóa” để mở cánh cửa hội nhập” - TS. Như nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo TS. Như, trước khi nghĩ đến việc lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp, khu vực kinh tế tư nhân cần thay đổi tư duy trong việc tiếp cận thị trường, đổi mới sản xuất. Bởi đa số thành phần trong khu vực kinh tế này là các hộ kinh doanh cá thể, DN siêu nhỏ, DN nhỏ... Họ không chú trọng đầu tư đổi mới cũng như không có định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu, do đó, rất ít DN đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu thị trường để đưa ra sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Thúc đẩy mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ

Công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của DN tư nhân nói riêng, khu vực kinh tế tư nhân nói chung, tuy nhiên, làm cách nào để DN có thể tiếp cận và ứng dụng hiệu quả KHCN vào quy trình sản xuất của mình lại là bài toán không dễ giải quyết. Đặc biệt, hiện nay, phần lớn các DN tư nhân có quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp... trong khi việc mua lại dây chuyền công nghệ có giá thành không rẻ, chưa kể đến những chi phí phát sinh trong quá trình vận hành. Trong điều kiện đó, một trong những giải pháp hỗ trợ DN tư nhân tiếp cận với công nghệ hiệu quả nhất được các chuyên gia gợi ý là liên kết với trường đại học để tham gia chuyển giao công nghệ.

Nói về mối liên kết giữa nhà trường và DN trong việc chuyển giao công nghệ, TS. Trần Thị Tùng Lâm (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho rằng, đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và là xu thế chung của thế giới. Trong đó, trường học là nơi nghiên cứu theo đặt hàng của DN; DN sẽ đóng vai trò hỗ trợ tài chính, nhưng đồng thời là nơi thử nghiệm và thụ hưởng công nghệ.

Bởi, thực tế, có tình trạng nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao ra đời từ trường đại học, tuy nhiên, do thiếu “bà đỡ” là DN, nên các nghiên cứu vẫn chậm hoặc không được đưa vào ứng dụng. Để tránh sự lãng phí các nguồn lực, các trường đại học cần phải tạo dựng môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp với động lực đủ mạnh để thu hút và thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ cho DN. Bản thân các DN cũng cần nhập cuộc, cùng các cơ sở nghiên cứu phát hiện, ươm mầm tài năng ngay từ trong nhà trường.

Theo TS. Nguyễn Văn Cương (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cuộc Cách mạng 4.0 đã và đang làm thay đổi sâu sắc đến nhiều khía cạnh của quá trình phát triển giáo dục nghề nghiệp. Trong bối cảnh này, công nghệ và quy trình sản xuất ngày càng được tự động hóa, tối ưu hóa trên nền tảng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo…, điều này đòi hỏi người lao động không ngừng tích lũy năng lực để thích nghi. Do đó, cùng với việc ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất, DN cần quan tâm đến việc phổ biến, trang bị công nghệ cho người lao động.

“Ở các quốc gia tiên tiến, các DN thường đầu tư cho người lao động ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường và bồi dưỡng, cập nhật công nghệ mới cho người lao động trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, các DN trong nước lại ít quan tâm đến vấn đề này” - TS. Nguyễn Văn Cương nêu.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15-11-2018