Xúc tiến xuất khẩu cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Kinh tế - Ngày đăng : 22:23, 28/06/2024

“Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp, doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” là chủ đề Hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức ngày 28/6.
gt.jpg
Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp, doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: CT

Phát biểu tại Hội nghị, trước các đại biểu trong nước và quốc tế, cùng trên 200 doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, khu vực miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn; có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thời gian qua, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Vùng đạt đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%). Đáng chú ý, quy mô kinh tế đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,06% GDP cả nước) và có xu hướng tăng qua các năm; GRDP bình quân đầu người tăng 8,7% so với năm 2022 (đạt 75,62 triệu đồng/người).

Trong đó, một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa (10,35%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên (9,16%), Bình Thuận (8,1%). Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành của vùng đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước, tỷ trọng này đang có xu hướng tăng qua các năm.

Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt hơn 46,7 tỷ USD, giảm hơn 2,4 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn.

Kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 22 tỷ USD, tương đương giá trị năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD so năm 2022. Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa…

Các ngành công, nông nghiệp thuộc ưu thế phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chíp, công nghiệp ven biển, du lịch biển, kinh tế hàng hải; chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng biển, đặc biệt là năng lượng tái tạo gió ven bờ, gió ngoài khơi.

Lĩnh vực thương mại đẩy mạnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế. Hình thành và phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu. Đồng thời tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như: tăng trưởng kinh tế của vùng còn thấp so mục tiêu đặt ra. Kinh tế biển chưa có tính đột phá. Hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các hạ tầng kinh tế khác như sân bay, cảng biển. Nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, còn nhiều khó khăn.

Hội nghị được tổ chức nhằm xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất nhập khẩu cho vùng. Tại Hội nghị, đại diện các địa phương trong vùng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan đã tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng cũng như bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia.

Còn các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại.

Theo ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, trước tình hình kinh tế trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng.

Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng là hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực.

Hội nghị này cùng với chuỗi các hoạt động kết nối giao thương sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung, doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng nói riêng tìm được cơ hội hợp tác, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm của doanh nghiệp thông qua các hệ thống phân phối nước ngoài, thúc đẩy hơn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

PHÚC KHANG