Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực sớm từ ngày 01/8/2024

Pháp luật - Ngày đăng : 10:41, 29/06/2024

(BKTO) - Cùng với Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.
202406290852259852_z5584348998815_bc75ee4f4666c0e5e44e37c19365c598.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Sáng 29/6, với 404/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 83,13%), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Theo đó, các Luật trên chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về điều kiện bảo đảm thi hành luật, có ý kiến đề nghị quy định một điều cho phép các đối tượng có quyền lựa chọn thời điểm có hiệu lực của các luật. Ý kiến khác cho rằng nếu cho lựa chọn thời điểm có hiệu lực thì sẽ dẫn đến việc áp dụng không đồng bộ.

Theo báo cáo, việc cho phép đối tượng lựa chọn thời điểm có hiệu lực sẽ không bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng về chính sách của Nhà nước đối với thời điểm thực hiện các nội dung chuyển tiếp; không bảo đảm hiệu lực về không gian được quy định tại Điều 155 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có thể dẫn tới việc tùy tiện trong áp dụng các quy định của Luật theo các thời điểm hiệu lực khác nhau, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân cũng như cơ quan quản lý nhà nước về lựa chọn thời điểm để thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị thận trọng và tính toán thời điểm luật có hiệu lực cho phù hợp do quan ngại về tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của địa phương; khối lượng văn bản giao cho các địa phương ban hành nhiều, nhiều văn bản phải căn cứ vào nghị định hoặc thông tư của Bộ, ngành trong khi các văn bản này chưa được ban hành, đồng thời các văn bản của địa phương vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp Luật được thông qua, thời gian cho các địa phương ban hành văn bản thuộc thẩm quyền rất gấp. Đề nghị Chính phủ nhận diện rõ và đánh giá một cách đầy đủ về rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh và có giải pháp phù hợp.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng. Tại Báo cáo số 338/BC-CP ngày 24/6/2024 của Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với Dự án Luật, Chính phủ đã báo cáo về tiến độ ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành tại Phụ lục số 01.

202406290844328778_z5584313019848_c9a02827911a49309356b1efbd6a7847.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật. Ảnh: VPQH

Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương, theo Báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Chính phủ khẳng định, trường hợp Quốc hội thông qua Dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 7 thì vẫn còn thời gian để các địa phương hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các Bộ, ngành, địa phương, không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa, không để xảy ra tình trạng thông tư “chờ” nghị định, văn bản của địa phương “chờ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của Trung ương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các Luật từ ngày 01/8/2024 khi Luật này được Quốc hội thông qua.

Chính phủ chịu trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về việc tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung các luật này.

Trước đó, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Trong đó, Luật quy định 3 chế độ quản lý “dao có tính sát thương cao” gắn với mục đích sử dụng.

Cụ thể, trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng “dao có tính sát thương cao” vào mục đích vi phạm pháp luật.

Luật giao Chính phủ căn cứ quy định của Luật này để quy định việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển “dao có tính sát thương cao”.

Trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” với mục đích thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, thì quy định là vũ khí thô sơ.

Trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, thì quy định là vũ khí quân dụng.

Để bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát quy định của Bộ luật Hình sự có liên quan đến vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng để thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về hành vi phạm tội liên quan đến dao có tính sát thương cao khi Luật có hiệu lực thi hành.

Đ. KHOA