Xây dựng cơ chế xử lý đối với kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:45, 29/06/2024

(BKTO) - Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác.

Sáng 29/6, tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, với 472/473 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 97,12% tổng số đại biểu Quốc hội).

28dd0508ac5f0e01574e.jpg
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: N.Hồng

Tập trung kiểm toán những vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội quan tâm

Tại Nghị quyết, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, tinh thần xây dựng cao, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của Nhân dân và cử tri cả nước.

Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy còn một số hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Kiểm toán nhà nước và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại Phiên chất vấn.

202406290947112576_z5584537564965_43adb0e026b2d129b3b36fb608e9aa19.jpg
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Trên cơ sở đó, Quốc hội yêu cầu, đối với lĩnh vực kiểm toán, KTNN cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật KTNN và các văn bản liên quan đến chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán. Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; tập trung kiểm toán những vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm; cung cấp kịp thời báo cáo kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán, từng bước chuyển đổi từ cách tiếp cận kiểm toán truyền thống sang cách tiếp cận kiểm toán số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của công nghệ.

Bên cạnh đó, KTNN cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về KTNN; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán; thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là làm rõ, xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị đã tồn đọng nhiều năm.

Quốc hội yêu cầu KTNN có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với việc các Đoàn kiểm toán đưa ra kết luận, kiến nghị không đầy đủ căn cứ pháp lý, thiếu bằng chứng; thực hiện công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán kết nối liên thông với Bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

Quốc hội cũng yêu cầu KTNN tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; đề cao vai trò người đứng đầu, Tổ trưởng Tổ Kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các quy định về luân chuyển, điều động cán bộ, kiểm toán viên.

Đồng thời, tiếp tục chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương để hạn chế trùng lặp, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hằng năm.

Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện khi trình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.

202406290940330171_z5584498601980_d673f97055d26dfed77b567b2332faec.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Các Bộ, ngành địa phương, đơn vị được kiểm toán, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công; thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính, xử lý khác và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.

“Kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm, gây thất thoát ngân sách nhà nước và tài sản nhà nước. Rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán” - Nghị quyết nêu rõ.

Đ. KHOA