Thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò tiên phong chuyển đổi số quốc gia

Kinh tế - Ngày đăng : 16:30, 30/06/2024

(BKTO) - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06; đánh giá kết quả thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số ứng dụng, nền tảng của Đề án 06 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, thành phố Hà Nội thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: hanoi.gov.vn

Tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp

Thủ đô Hà Nội là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Quyết định 06/QĐ-CP ngày 06/01/2022 về Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) giao thực hiện thí điểm một số nội dung nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng.

Sau thời gian nghiên cứu, triển khai thí điểm, UBND Thành phố Hà Nội chính thức vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn Thành phố bao gồm: Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối nhằm tạo lập kênh kết nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân.

Hồ sơ sức khoẻ điện tử trên VNeID: Tạo nền tảng đưa mô hình khám chữa bệnh từ xa, sử dụng sổ khám sức khỏe duy nhất trong đời. Hệ thống Phòng họp thông minh, không giấy (i-Cabinet) sử dụng công nghệ hiện đại, trợ lý ảo AI tạo thuận lợi, kịp thời trong chỉ đạo điều hành, xây dựng nền quản trị hiện đại, hiệu quả.

2(1).jpg
Nền tảng Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế của các quốc gia, là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chuyển đổi số đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người". Do đó, cả nước, các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội khi Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; đánh giá cao UBND Thành phố Hà Nội đã công bố vận hành một số nền tảng ứng dụng Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả đạt được của Thành phố Hà Nội trong triển khai Đề án 06 thời gian qua:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được Thành ủy, UBND, các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tạo ra sự chuyển biến tích cực. Thành phố đã ban hành 02 Nghị quyết của HĐND Thành phố, 01 Công điện, 04 Quyết định của UBND Thành phố, 06 Kế hoạch và hơn 120 văn bản với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả"; kiện toàn và hợp nhất 03 Ban chỉ đạo về Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 thành 01 Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban; hình thành 5.024 Tổ chuyển đổi số cộng đồng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an cơ sở để triển khai hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn Thành phố.

Thứ hai, công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch, hiệu lực được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, với quan điểm cơ chế, chính sách chính là nguồn lực quan trọng cho phát triển. Hà Nội đã ban hành chính sách thu phí "không đồng" để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến (cả nước mới có 3 địa phương thực hiện là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa); hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi có đề nghị cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trên ứng dụng VNeID.

Thứ ba, công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính với hơn 600 thủ tục hành chính đến hết năm 2025. Cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID đạt 55,67%; giúp tiết kiệm 10,7 tỷ đồng/năm cho người dân và 6,85 tỷ đồng cho cơ quan hành chính nhà nước tại Hà Nội.

Thứ tư, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp tục được đẩy mạnh, tạo tiện ích trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp. Hà Nội đã xây dựng, hoàn thiện và tái sử dụng dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu tập trung; khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết công việc.

Thứ năm, Thành phố đã triển khai phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin; đây là một giải pháp khả thi để tháo gỡ các điểm nghẽn, góp phần triển khai nhanh và hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 và chuyển đổi số trên địa bàn.

Thứ sáu, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp trong sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số là kết quả - là thành công quan trọng nhất.

Tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển xanh

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác triển khai Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể như: Tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng còn thấp (tỉ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử là 12,39%, so với mức cả nước là 64,38%); còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức. Tỉ lệ số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn thấp (11,48%, so với mức cả nước là 58,57%).

Tỉ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa chưa cao (21,81%). Hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn nhiều hạn chế, bất cập. Công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều cơ quan chưa được quan tâm đúng mức.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hà Nội phải là địa phương đi đầu, tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại. Đặc biệt, phải bám sát vào những vấn đề trọng tâm trong chủ đề năm 2024 của Đề án 06 là "Hoàn thiện hạ tầng công nghệ; số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số".

Trong đó, chú trọng 05 mục tiêu chủ yếu triển khai Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội thời gian tới: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với tất cả các dịch vụ, tiện ích; Tiết giảm chi phí (về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ); Kiểm soát rủi ro, đẩy lùi tiêu cực, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp; Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Thành phố Hà Nội phải thực hiện gồm:

Một là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội.

Thành phố Hà Nội tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính theo thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% số quy định và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ. Xây dựng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND Thành phố là tổ chức chuyên trách về cung cấp dịch vụ công.

Hai là, đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC điện tử giữa các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Hà Nội thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, tập trung đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình, TTHC để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân.

Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tái sử dụng dữ liệu số hóa. Phấn đấu tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đạt 100%; tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 80%; tỉ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt tối thiểu 50%.

Đẩy mạnh triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội; phấn đấu 100% người dân được cấp Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. Đẩy mạnh triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học; phấn đấu 100% giáo viên, nhân viên được cấp chữ ký số cá nhân.

Ba là, đẩy mạnh làm giàu thông tin, cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên nền tảng VNeID. Cấp tài khoản định danh cấp độ 2 cho 100% dân số Hà Nội.

Bốn là, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế trên địa bàn Hà Nội. Thực hiện quyết liệt các giải pháp về hóa đơn điện tử trên địa bàn Hà Nội, nhất là hóa đơn điện tử bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng.

Năm là, xây dựng và phát triển CSDL dùng chung của Hà Nội, tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL quốc gia, chuyên ngành. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng phù hợp các công cụ chuyển đổi số (như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trợ lý ảo...).

Sáu là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Bảy là, các bộ, ngành, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tiếp tục hỗ trợ Hà Nội nói riêng và UBND các địa phương nói chung trong triển khai Đề án 06. Các bộ, ngành thống nhất các giải pháp kỹ thuật và chia sẻ dữ liệu để đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình thực hiện.

Tám là, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân theo tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

“Chính phủ luôn hy vọng, gửi gắm và tin tưởng vào Thành phố Hà Nội trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển xanh, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng Thủ đô - trái tim của cả nước, Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh lĩnh hội, tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn của Tổ công tác 06 của Chính phủ, của Bộ Công an, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tập đoàn, các Tổng công ty là đối tác của Thành phố Hà Nội.

Hà Nội sẽ cam kết hành động một cách quyết liệt, đặt mục tiêu lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Về mô hình hành chính công, Hà Nội đã quyết định thành lập Tổ nghiên cứu cùng Văn phòng Chính phủ nghiên cứu được mô hình. Dự kiến tháng 10, Hà Nội sẽ xin Quyết định thành lập mô hình cấp Sở vừa cung cấp dịch vụ công, đồng thời giám sát không làm thay chính quyền, không làm thay các bộ phận quận, huyện, thị xã được phân cấp ủy quyền cũng như giám sát đảm bảo sự công khai minh bạch và làm đầu mối để tiếp xúc với dân, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thông tin./.

THÙY LÊ