Ngành y tế cần cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất
Xã hội - Ngày đăng : 16:05, 19/11/2018
(BKTO) - Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Bộ Y tế về kết quả thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực y tế, chiều 17/11, tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi làm việc- Ảnh: Đ. Nghị |
Chậm tiến độ kết nối một cửa quốc gia
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2018, Bộ tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả với 4 nhóm thủ tục hành chính đã thực hiện cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế. Tính đến 31/10/2018, trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, tổng số hồ sơ thực hiện trực tuyến là 106.122 với 3.342 DN tham gia.
Tuy nhiên, đến hết năm nay, Bộ Y tế chỉ kết nối được 17/23 thủ tục hành chính lên Cổng Thông tin một cửa quốc gia ở các lĩnh vực thiết bị y tế và dược, còn 6 thủ tục liên quan tới môi trường y tế và an toàn thực phẩm, trong tháng 1/2019 mới hoàn thành kết nối (chậm 1 tháng so với quy định).
Bộ Y tế cũng đặt mục tiêu, năm 2019 sẽ hoàn thành thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả 14 thủ tục hành chính của Bộ cần triển khai trong năm 2019.
Lĩnh vực y tế hiện có 1.871 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc 16 ngành nghề. Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội và dự toán NSNN năm 2018; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành y tế đã rà soát cắt giảm, đơn giản hóa 1.263 điều kiện đầu tư kinh doanh, đạt 72,85% kế hoạch; cắt giảm 169 thủ tục hành chính trong tổng số 234 thủ tục.
Cũng trong năm 2018, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 4 Thông tư số danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu gắn mã HS ở các lĩnh vực: Thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn và trang thiết bị y tế. Bộ cũng ban hành danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc dùng cho người và mỹ phẩm xuất khẩu, nhập khẩu đã xác định mã số hàng hóa, gồm 10 danh mục với hơn 3.000 ngành hàng, gồm tất cả các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu.
Nỗ lực cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế: Cắt giảm, giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; rà soát, loại bỏ 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành thuộc Bộ Y tế quản lý.
Đến nay, 98% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu là đối tượng quản lý của Bộ Y tế thuộc 5 mặt hàng của 815 dòng hàng sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, mà thực hiện hậu kiểm khi tiêu thụ trên thị trường. Tính trên lô hàng nhập khẩu thì 95% số lô hàng đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, chỉ còn lại 5% phải kiểm tra, trong khi chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 50/TB- VPCP ban hành đầu năm 2018 là loại bỏ 50% số dòng hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành.
Bộ Y tế cũng đã quy định không kiểm tra chuyên ngành khi thông quan tại cửa khẩu các mặt hàng, gồm: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc (bao gồm cả dược liệu); mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; mặt hàng phương tiện tránh thai và thiết bị y học cổ truyền.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả đạt được của Bộ Y tế trong thực hiện cơ chế một cửa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN.
Theo Phó Thủ tướng, ngành Y tế là ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực, đa dạng các ngành nghề, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính của ngành phải đảm bảo cân đối cả về mặt kinh tế và xã hội, đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục để tạo điều kiện thương mại tối đa và thực chất cho DN. Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe người dân cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh an toàn sinh học, phải chống gian lận thương mại, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình thực hiện, không chỉ là cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mà còn phải rà soát lại những thủ tục đã cắt giảm để xem đã thực hiện đúng thực chất hay chưa, tránh tình trạng thủ tục cần thì không cắt, cắt giảm cái này lại cài cắm các điều kiện, thủ tục khác gây khó khăn cho DN, hay việc thực hiện giữa văn bản quy định pháp luật và thực tế triển khai còn khoảng cách lớn; đẩy mạnh công tác hậu kiểm thay vì tiền kiểm…
Đ. KHOA