Sắp hết cảnh mỏi mắt tìm trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Kinh tế - Ngày đăng : 20:19, 30/06/2024

(BKTO) - Với mong muốn phát huy hiệu quả đầu tư trạm dừng nghỉ theo phương thức xã hội hóa, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư đáp ứng các yêu cầu khắt khe về năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính để đảm đương hoàn thành tốt việc triển khai, vận hành các trạm dừng nghỉ, qua đó phát huy hiệu quả khai thác công trình đường cao tốc để phục vụ cộng đồng.
img_1661605828614_1661674487035.jpg
Việc triển khai, vận hành các trạm dừng nghỉ là yêu cầu bức thiết hiện nay. 

Điều này đúng với trường hợp Liên danh FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT (Liên danh Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang FUTABUSLINES – Công ty TNHH Thành Hiệp Phát) vừa trúng thầu Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ thuộc Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cuộc đua lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ

Ngày 27/6, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) đã ký các quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km144+560 thuộc Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km90+900 thuộc Dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, Liên danh FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT đã trúng thầu Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km144+560 thuộc Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước tại Dự án này là 140 tỷ đồng; giá trị sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 313,441 tỷ đồng; giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 33,997 tỷ đồng. Tiến độ tổng thể Dự án 15 tháng, trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công: 12 tháng; thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm.

Liên danh FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT cũng trúng thầu Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km90+900 thuộc Dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước tại Dự án này là 140 tỷ đồng; giá trị sơ bộ chi phí thực hiện dự án 299,812 tỷ đồng; giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 14,454 tỷ đồng. Tiến độ tổng thể Dự án này cũng là 15 tháng, trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công là 12 tháng; thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm.

phoi-canh-mot-tram-dung-nghi-tren-cao-toc-bac-nam-1-.jpg

Công ty FUTABUSLINES đứng đầu liên danh 3 dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ nói trên, là đơn vị uy tín, nhiều kinh nghiệm với 23 năm hoạt động trong ngành vận tải, logistics… FUTABUSLINES có mạng lưới vận tải trên khắp cả nước, cùng đó là hệ thống trạm dừng nghỉ, trung chuyển mang thương hiệu của mình ở nhiều tỉnh, thành phố.

Doanh nghiệp này là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ và cải tiến hoạt động kinh doanh. Với chiến lược phát triển bền vững, FUTABUSLINES đang mở rộng quy mô hoạt động của mình, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành vận tải hành khách và hàng hóa trong nước, tầm nhìn trở thành đơn vị hàng đầu trong ngành dịch vụ vận tải tại Việt Nam và khu vực ASEAN.

Trên thực tế, để đạt được kết quả như trên là điều không dễ dàng. Bởi, cả 3 dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ thành phần mà liên danh FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT trúng thầu đều có sự cạnh tranh rất cao. Thậm chí Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, ngoài FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT có tới 6 liên danh nhà đầu tư đã nộp hồ sơ dự thầu, trong đó có những đơn vị rất tiềm lực: Petrolimex, Anh Phát Petro…

Bên cạnh đó, để chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong vận hành các trạm dừng nghỉ, tại hồ sơ yêu cầu các dự án đầu tư xây dựng và vận hành các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam cũng yêu cầu nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh phải từng kinh doanh hoặc khai thác dịch vụ chuyên ngành đường bộ thuộc dự án đang xét đáp ứng một trong 2 điều kiện: có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 1 đưa vào khai thác; có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 2 hoặc 3 hoặc 4 đưa vào khai thác, nhưng phải bảo đảm trạm dừng nghỉ có khu kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện và trạm cấp nhiên liệu.

Đối chiếu với các tiêu chí nói trên, liên danh FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT có rất nhiều lợi thế do FUTABUSLINES là một thương hiệu vận tải hành khách rất lớn tại khu vực phía Nam, đã và đang sở hữu một số trạm dừng chân lớn được đầu tư bài bản tại một số trục giao thông đường bộ huyết mạch.

Trong đó, trạm dừng Satra do FUTABUSLINES đầu tư tại Tiền Giang có quy mô lớn bậc nhất trên toàn tuyến giao thông quốc gia.

Nói về việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai các trạm dừng nghỉ, ông Lê Thắng - Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) chia sẻ: “Tôi tin sau thời gian dài chuẩn bị và với cách đấu thầu và chấm thầu chặt chẽ, công khai, minh bạch vừa qua, các nhà đầu tư được lựa chọn đều rất xứng đáng. Mong rằng các nhà đầu tư cố gắng phát huy năng lực, kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, vì lợi ích chung của xã hội.”

Trước đó, khẳng định việc triển khai, vận hành trạm dừng nghỉ là yêu cầu quan trọng, được Bộ GTVT đặc biệt lưu tâm trong quá trình triển khai xây dựng cao tốc, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Giang - Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, để có cơ sở tổ chức, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện trạm dừng nghỉ, năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT hướng dẫn lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.

Các nhà đầu tư muốn tham gia dự thầu để xây dựng, vận hành cao tốc thì phải đảm bảo đúng các tiêu chí “cứng” về điều kiện kinh doanh, năng lực tài chính và kinh nghiệm trong các hồ sơ mời thầu phát hành.

“Chúng tôi đã thẩm định rất kỹ hồ sơ năng lực của liên danh FUTABUSLINES - THÀNH HIỆP PHÁT. Đây là một trong những nhà đầu tư lớn, có khả năng dẫn dắt thị trường đầu tư xây dựng và vận hành các trạm dừng nghỉ đường cao tốc” - một lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết.

Cần sự đồng thuận để xã hội hoá đầu tư trạm dừng nghỉ phát huy hiệu quả

Các trạm dừng nghỉ có vai trò hoàn chỉnh, khép kín dịch vụ trên tuyến đường cao tốc. Đó không chỉ là nơi nghỉ ngơi tái tạo năng lượng cho người tham gia giao thông, cấp nhiên liệu cho các phương tiện sau quãng đường dài, mà còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông, phát triển vùng miền, trở thành điểm nhấn về cảnh quan, văn hoá cho địa phương và khu vực.

Với sự an toàn, tiện ích khi lưu thông trên đường cao tốc có trạm dừng nghỉ còn góp phần thu hút người tham gia giao thông yên tâm lựa chọn tuyến đường, tăng lưu lượng phương tiện, tăng hiệu quả khai thác công trình.

Đại diện Bộ GTVT cho hay, do hạn chế nguồn vốn đầu tư nên đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, hạng mục trạm dừng nghỉ được tách ra làm dự án riêng để đầu tư theo hình thức xã hội hóa thay vì sử dụng vốn ngân sách. Ngoài ra, do các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng nên việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thể bảo đảm khai thác đồng bộ, phục vụ người dân đối với một số đoạn mới hoàn thành đưa vào khai thác.

tram.jpg
Người dân đều kỳ vọng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng để lựa chọn được các nhà đầu tư triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ hiện nay, các trạm dừng nghỉ hiện đại, tiện nghi, đảm bảo tiêu chuẩn sẽ sớm được đưa vào khai thác

Cũng trong giai đoạn trước, còn tình trạng nhà đầu tư triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ manh mún, thiếu tầm nhìn quy hoạch tổng thể, chỉ đấu thầu để giành quyền kinh doanh nhưng không thực sự chú trọng vai trò và giá trị cốt lõi của trạm dừng nghỉ … Do vậy, khi đã có quy hoạch trạm dừng nghỉ, cùng các quy định, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, vận hành trạm dừng nghỉ ngày càng hoàn thiện, việc đẩy mạnh triển khai đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư chuyên môn hoá, có tiềm lực để đầu tư bài bản cần được tiến hành khẩn trương.

Ông Lê Thắng nhấn mạnh, yêu cầu chung đối với đường cao tốc là phải có trạm dừng nghỉ. Việc thiếu hạng mục này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi các chủ phương tiện tham gia cao tốc. Do đó, đây là nhiệm vụ cấp bách đang được Bộ GTVT và các đơn vị chức năng tích cực triển khai. 

Chuyên gia Đặng Văn Chung – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước đây) nhấn mạnh, trong khi chờ các tuyến cao tốc đủ chuẩn hoàn thiện thì cơ quan chức năng nên rà soát, những tuyến đường nào có thể tận dụng mặt bằng thì mở nhanh các trạm dừng tạm để giải quyết nhu cầu cho người dân. Với các trạm dừng đã có trong quy hoạch, cần có cơ chế đặc thù để rút ngắn thủ tục, đẩy nhanh quá trình triển khai. “Khi đã có tiêu chuẩn, quy hoạch trạm dừng nghỉ rồi, chọn hình thức xã hội hóa rồi phải tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp làm nhanh nhất có thể” - ông Chung nói thêm.

Các chuyên gia đồng thuận, xã hội hóa đầu tư trạm dừng nghỉ là cách làm đúng hướng. Các nhà đầu tư khi được lựa chọn tham gia xây dựng trạm dừng nghỉ theo đúng các quy định hiện nay đã được trải qua nhiều quy trình, nhiều tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe nên có thể tin tưởng sẽ đảm bảo năng lực, kinh nghiệm để làm tốt công việc theo cam kết, mang lại hiệu quả cho xã hội.
Điều quan trọng lúc này là người dân, xã hội cần đồng tình, ủng hộ để tạo động lực cho cơ quan chức năng, nhà đầu tư an tâm thực hiện nhiệm vụ.

Kiến nghị các cơ quan chức năng, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường tổ chức đấu thầu các cụm trạm dừng nghỉ đồng bộ trên toàn tuyến cao tốc và đầu tư hệ thống giao thông thông minh để đảm bảo an toàn, hiệu quả khai thác các công trình đường cao tốc phục vụ xã hội.  

BÍCH LIÊN