Huy động nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Xã hội - Ngày đăng : 08:03, 01/07/2024

(BKTO) - Tỉnh Hòa Bình phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 bình quân mỗi năm từ 2,5-3%. Đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện đều được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm...
3(1).jpg
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nông dân trên địa bàn huyện Lạc Sơn đã đầu tư trồng mô hình bí xanh nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống góp phần giảm nghèo. Ảnh: hoabinh.gov.vn

Giai đoạn 2021-2024, tổng nguồn vốn bố trí cho Chương mục mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là trên 2.077 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là trên 732 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 7,7 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 1.330 tỷ đồng và các nguồn vốn huy động khác khoảng 1,9 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn thực hiện Chương trình năm 2021 là 348 tỷ đồng, năm 2022 l hơn 719 tỷ đồng, năm 2023 hơn 647,4 tỷ đồng. Kế hoạch vốn thực hiện Chương trình bố trí đến tháng 5/2024 là trên 363 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, tỉnh Hòa Bình cũng thực hiện lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án khác; triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng và huy động đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trên địa bàn.

Tính đến 15/6/2024, toàn Chương trình đã giải ngân được gần 361 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 48,71% vốn được giao của 03 năm 2022, 2023 và 2024. Trong đó, riêng năm 2024 đã giải ngân được gần 15,5 tỷ đồng, tỷ lệ đạt 8,04% trên tổng vốn được bố trí năm 2024.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 (số liệu đầu kỳ rà soát cuối năm 2021) thì tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 26,14%, trong đó: 34.029 hộ nghèo , chiếm tỷ lệ 15,49% so số hộ toàn tỉnh; 23.388 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 10,65% so số hộ toàn tỉnh.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023 được phê duyệt tại Quyết định số 2977/QĐ-UBND ngày 20/12/2023 của UBND tỉnh thì tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 18,12% trong đó: Số hộ nghèo giảm còn 20.306 hộ, chiếm tỷ lệ 9,2 %; Hộ cận nghèo 19.692 hộ, chiếm tỷ lệ 8,92% so với tổng số hộ dân trên địa bàn. Kế hoạch năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm là 2,3-2,5%. Như vậy, bình quân giai đoạn 2022-2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,86%, đạt kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 20,08% (số liệu đầu kỳ rà soát cuối năm 2021) xuống còn 11,99% cuối năm 2023. Kế hoạch năm 2024 giảm từ 2,5-3%, như vậy bình quân giai đoạn 2022-2024 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân giảm trên 5% đạt và vượt kế hoạch đề ra.

100% hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện và có nhu cầu đều được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đối tượng thụ hưởng của chương trình là người nghèo, người dân sinh sống ở vùng khó khăn và địa bàn huyện nghèo đã được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, hỗ trợ của Nhà nước; tự bản thân người dân đã chủ động vươn lên thoát nghèo, có sinh kế bền vững. Việc huy động xã hội hóa nguồn lực đầu tư được thực hiện tốt.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thường xuyên quan tâm vận động từ các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp; đồng thời lồng ghép với nguồn lực từ nhiều Chương trình, dự án khác như xây dựng nông thôn mới, nguồn trợ giúp ngoài tỉnh... góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

THÙY LÊ