Hòa Bình nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Địa phương - Ngày đăng : 09:03, 01/07/2024

(BKTO) - 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Hòa Bình ước đạt 1,81%, trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,21%; công nghiệp - xây dựng giảm 0,34%; dịch vụ tăng 6,48%; thuế sản phẩm tăng 4,73%.
1(4).jpg
Phát triển văn hóa và du lịch tạo thêm sức hút cho Hòa Bình. Ảnh: hoabinh.gov.vn

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 3,2% so với cùng kỳ. Ngành khai khoáng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ; tuy nhiên ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 là 3.186,5 triệu Kwh (đạt 36,63% so với kế hoạch năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 36.150 tỷ đồng tăng 16,14% so với cùng kỳ năm trước; thực hiện 48,62% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 969,039 triệu USD, tăng 26,48 % so với cùng kỳ, thực hiện 48,48% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 685,275 triệu USD, tăng 17,61% so với cùng kỳ, thực hiện 49,8% kế hoạch năm.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết ngày 30/6/2024 ước đạt 3.366,5 tỷ đồng, bằng 83% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 58% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao, tăng 78% so với thực hiện cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách địa phương ước đạt 18.184 tỷ đồng, bằng 126% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ và 113% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, tăng 69% so với thực hiện cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 7.338 tỷ đồng, bằng 51% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 46% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 99% so với thực hiện cùng kỳ. Ước 6 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 1,5%, dư nợ trên toàn địa bàn tăng 1% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2% tổng dư nợ. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách tín dụng của nhà nước.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 08 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, 01 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 05 dự án được chấp thuận nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.538,6 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn 33 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 20.775 tỷ đồng hiện đang được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định (đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).

Công tác tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động của người lao động được quan tâm. Ước đến 30/6/2023, toàn tỉnh có 103.028 người tham gia bảo hiểm xã hội, 74.399 người tham gia bảo hiểm tự nguyện; 820.435 người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 92,74% dân số.

Công tác lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác an sinh xã hội được thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng. Tổ chức thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào sinh sống tại các xã vùng khó khăn...

Tình hình sản xuất, đời sống và kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các chính sách dân tộc tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện.

Thời gian tới, các cấp chính quyền tập trung hoàn thành xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đảm bảo giải ngân hết nguồn kế hoạch vốn được giao. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp quản lý thu ngân sách nhà nước. Rà soát, xác định những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời có các giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả. Tổ chức điều hành chi ngân sách năm 2024 theo đúng dự toán được giao. Thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư.

THÙY LÊ