Đạt mục tiêu tăng trưởng 6,0-6,5% là thách thức lớn
Kinh tế - Ngày đăng : 11:24, 02/07/2024
Thích ứng nhanh, kịp thời với các biến động
Đánh giá về kết quả trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự nỗ lực, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới.
Bởi thực tế cho thấy, kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, gây bất định cho cả sản xuất và tiêu dùng, đồng thời làm tăng biến động tài chính.
Bên cạnh đó, tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai đã tăng lên theo thời gian và còn tiếp tục tăng hơn nữa do biến đổi khí hậu đã đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bất ổn xã hội...
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, giá trung bình của hàng hóa giảm nhờ nguồn cung được cải thiện.
Các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan hơn về kinh tế thế giới năm 2024, điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo đưa ra trước đó.
Đến thời điểm tháng 6/2024, Liên hợp quốc (UN) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,7%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024; Ngân hàng thế giới (WB) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,6%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 01/2024.
Fitch Ratings (FR) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2024; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng 3,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2024.
Với Việt Nam, WB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 5,5%, tăng 0,5 điểm phần trăm; IMF dự báo tăng trưởng đạt 5,8%, tăng 0,8 điểm phần trăm, còn ADB dự báo tăng trưởng đạt 6,0%, tăng 1,0 điểm phần trăm…
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo đạt 3,1%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 02/2024; Liên minh châu Âu (EU) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 11/2023.
Quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ. Các Bộ, ngành, địa phương đã theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
Bà Nguyễn Thị Hương ghi nhận và bình luận, kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.
Kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Bước sang quý III/2024, kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,0-6,5% của năm 2024 là thách thức lớn.
6 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì tăng trưởng; xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đạt mức tăng cao; ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng ổn định, bảo đảm tiêu dùng trong nước và đáp ứng nhu cầu của khu vực và thế giới.
Trao đổi về những giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, cần tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Thứ hai, cần đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
Thứ ba, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới đang dần phục hồi. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.
Đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao - bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh. Theo đó, cần tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế - xã hội cũng như các địa phương trong vùng.../.