Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tỉnh Hậu Giang sau Kỳ họp thứ 7
Chính trị - Ngày đăng : 11:24, 02/07/2024
Tại Hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam đã báo cáo với cử tri những kết quả Kỳ họp thứ 7 và kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 7.
Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trân trọng cảm ơn đông đảo cử tri đã tham dự tiếp xúc cử tri trực tiếp và tham dự tại các điểm cầu trong toàn tỉnh Hậu Giang. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao theo đúng quy định của pháp luật và nội quy Kỳ họp, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Qua báo cáo của tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang 6 tháng đầu năm nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần cho tăng trưởng cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã trao đổi, làm rõ các vấn đề được cử tri quan tâm.
Về kiến nghị của cử tri Nguyễn Thanh Điền (huyện Vị Thủy) về ổn định giá điện và bỏ cách tính tiền điện như hiện nay (thang, bậc), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề cử tri nêu đã được các cơ quan của Quốc hội quan tâm, theo dõi, giám sát thời gian qua.
Trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Theo đó, Đoàn giám sát đã nhận định “Giá điện chậm được thay đổi, chưa phù hợp cơ chế thị trường; các tín hiệu thị trường trong khâu phát điện và truyền tải điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng. Cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, còn duy trì bù chéo, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh, chưa phù hợp với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện”.
Tại Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 về nội dung giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, nghiên cứu “điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào như giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá”, “sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định” nhưng đồng thời phải “bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Điện lực và các văn bản có liên quan (như: nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương).
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận ý kiến của cử tri; đồng thời nêu rõ, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát nội dung nêu trên, đặc biệt là việc thực hiện kiến nghị giám sát tại Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 như đã nêu.
Về kiến nghị của các cử tri Lê Nghĩa (TP. Ngã Bảy), cử tri Trương Tấn Thành (huyện Châu Thành), cử tri Đặng Văn Nuôi (huyện Châu Thành A)... liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH, trong đó đã quy định việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền hưởng BHXH là các hành vi bị nghiêm, cùng các chế tài xử lý các hành vi này.
Cùng với đó, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã quy định 2 nội dung: Một là, Giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động trước ngày 01/7/2024. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng BHXH cho người lao động thì thực hiện truy thu, truy đóng vào Quỹ BHXH và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hai là, giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH và Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Ghi nhận, tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, thời gian tới Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có ngành giáo dục; phương án đề xuất bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan thống nhất nhận thức, quan điểm, có giải pháp để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ngành giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của vùng miền, các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin đến cử tri 10 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến nhân dân.
Cũng trong ngày 01/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thăm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện; thăm Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ và trao quà tặng các gia đình chính sách, người có công tỉnh Hậu Giang nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024).