Xây dựng, kiến tạo hạ tầng pháp lý của Kiểm toán nhà nước - Hành trình 30 năm
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:19, 03/07/2024
Trong khuôn khổ Hội thảo "Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển", do KTNN tổ chức sáng 03/7, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, ôn lại những dấu ấn trong quá trình hình thành hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN.
Từng bước nâng tầm vị thế, chức năng, nhiệm vụ…
Các ý kiến tại Hội thảo đều nhấn mạnh, sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, KTNN ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nhưng để có được ngày hôm nay - trở thành một thiết chế độc lập, do Quốc hội thành lập, được Hiến định - là một quá trình dài xây dựng, kiến tạo cơ sở pháp lý.
Quá trình này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đến nay, KTNN đã có một hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ và thống nhất.
KTNN được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 01/7/1994 của Chính phủ. Đến tháng 01/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 61/1995/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của KTNN.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Phú Thọ, Nghị định số 70/CP và sau đó là Quyết định 61/1995/QĐ-TTg được coi là những căn cứ pháp lý đầu tiên có giá trị như tuyên ngôn khai sinh KTNN, qua đó tạo bước phát triển lớn cho hệ thống các công cụ kiểm tra và kiểm soát tài chính của Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và tăng cường năng lực tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, với Nghị định số 70/CP, địa vị pháp lý của KTNN còn thấp, chưa có trong hệ thống các cơ quan nhà nước, mà chỉ là cơ quan được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ. Một số nội dung liên quan đến KTNN lại được quy định trong các luật chuyên ngành, như Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995, Luật Ngân hàng nhà nước năm 1997…. Đặc biệt, Điều 73 Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 1996 đã quy định KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện kiểm soát tài chính, NSNN.
Gần 10 năm sau khi Nghị định số 70/CP và Quyết định số 61/1995/QĐ-TTg được ban hành, nhiều hạn chế, bất cập đã phát sinh, nhất là trong vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của KTNN cũng như loại hình kiểm toán mà KTNN được thực thi.
Để khắc phục những hạn chế đó, đồng thời, hoàn thiện một bước cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của KTNN cho phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước, ngày 13/8/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2003/NĐ-CP
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KTNN. Nghị định 93/2003/NĐ-CP chỉ rõ: “Kiểm toán nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ”.
Giai đoạn này, những đòi hỏi từ thực tiễn cho thấy, địa vị pháp lý của KTNN cần được nâng cao hơn nữa, tương xứng với vị thế và vai trò của một công cụ không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường và trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nhớ lại ngày ấy, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương chia sẻ: “Ban đầu, kế hoạch là xây dựng Pháp lệnh. Công việc này cũng đã được thực hiện trong nhiều năm. Nhưng sau đó, chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ cho KTNN làm luật. Lúc đó tôi đã giao vụ Pháp chế đọc tất cả luật các nước nhưng vẫn phải sát với thực tiễn Việt Nam để xây dựng Luật”.
Theo ông Hoàng Phú Thọ, Luật KTNN 2005 được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 là một bước ngoặt quan trọng, đã nâng cao địa vị pháp lý của KTNN thêm một bậc. Từ một cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ, trở thành cơ quan thuộc Chính phủ và sau Luật, là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập.
Qua đó, hệ thống pháp luật về KTNN ở Việt Nam đã dần hoàn thiện, quy định rõ ràng nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đồng thời quy định nhiều điều có ý nghĩa về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của KTNN
“Mốc son chói lọi” trong hành trình kiến tạo cơ sở pháp lý
Ngày 28/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Đây là dấu mốc lịch sử trong hành trình kiến tạo, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho KTNN.
Lần đầu tiên, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước, nền tảng pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của KTNN và là một dấu mốc lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển của KTNN.
Sự kiện này đã nâng tầm KTNN từ cơ quan do “Luật định” thành “Hiến định”, khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đồng thời khẳng định vị trí của KTNN trong bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc đưa địa vị pháp lý của KTNN vào Hiến pháp năm 2013 chính là một “mốc son chói lọi” trong hành trình 30 năm phát triển của KTNN. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để KTNN thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải cho biết, khi xây dựng Hiến pháp, tất cả những người trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập chỉ mong có một từ “kiểm toán” trong Hiến pháp. Nhưng cuối cùng, Quốc hội đã dành hẳn một điều là Điều 118 quy định riêng về cơ quan KTNN.
Đây là một sự đánh giá rất cao về vị trí, vai trò của KTNN, cũng như sự kỳ vọng của Quốc hội vào cơ quan KTNN trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công, cũng như trong phòng, chống tiêu cực” -
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải
Để cụ thể hóa quy định về KTNN trong Hiến pháp 2013, ngày 24/6/2015, Luật KTNN (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, thay thế Luật KTNN năm 2005. Tiếp đó, ngày 26/11/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
Theo ông Hoàng Phú Thọ, hai lần sửa đổi Luật KTNN này đã tạo cơ sở vững chắc để KTNN bước vào một thời kỳ phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, vươn lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, thực hiện mục tiêu chiến lược “Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của Kiểm toán nhà nước” mà KTNN đã đặt ra.
Trong đó, Luật KTNN 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của KTNN. Trong đó, Luật quy định rõ về nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN quy định về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; quy định rõ các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động của KTNN, quy định quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu điện tử của cơ quan kiểm toán; quy định rõ hơn quyền khiếu nại, khởi kiện của đơn vị kiểm toán, cũng như trình tự thủ tục giải quyết...
Qua đó, đã tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước
Ngày 28/2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Phiên họp thứ 20 đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN.
Để triển khai thi hành Luật KTNN, KTNN đã phối hợp tích cực với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội xây dựng trình các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật KTNN. Đến nay, 1 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 1 nghị định của Chính phủ, 1 thông tư đã được ban hành.
Hàng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình xây dựng văn bản quản lý của KTNN. Từ năm 2016 đến nay (31/12/2023), Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành khoảng 60 văn bản quy phạm pháp luật và hàng trăm văn bản quản lý để quy định chi tiết thi hành Luật KTNN, như: Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán; Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Quy định về giải quyết khiếu nại, kiến nghị, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán… Đây là những quy định quan trọng cho tổ chức và hoạt động kiểm toán; góp phần tích cực trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của ngành theo hướng minh bạch, công khai, chuyên nghiệp và chính quy hóa.