Khẳng định dấu ấn từ những chuyên đề kiểm toán mới, khó

Kiểm toán - Ngày đăng : 06:12, 04/07/2024

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành III là một trong những đơn vị đạt được nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động kiểm toán, với nhiều cuộc kiểm toán trọng điểm của Ngành do đơn vị chủ trì thực hiện thành công. Chia sẻ với Báo Kiểm toán, Kiểm toán trưởng Hoàng Văn Lương cho biết, để có được kết quả cao, ngoài chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động kiểm toán, đơn vị luôn tạo động lực cho kiểm toán viên (KTV) có cơ hội đổi mới, phát huy tối đa năng lực, sở trường trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
9a.jpg
Cuộc kiểm toán hợp tác "Việc quản lý nguồn nước sông Mê Công gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững", năm 2021. Ảnh: TL

Xin ông cho biết một số kết quả kiểm toán nổi bật của đơn vị thời gian qua? Những bài học kinh nghiệm được đơn vị rút ra để đạt được thành công trong tổ chức kiểm toán là gì, thưa ông?

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, KTNN chuyên ngành III ngày càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, góp phần vào kết quả chung của KTNN trong việc bảo vệ pháp luật, sự liêm chính trong quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Chất lượng hoạt động kiểm toán của đơn vị ngày càng được nâng lên rõ rệt, thể hiện trên các mặt: Số lượng, nội dung, phạm vi kiểm toán các cuộc kiểm toán tăng dần theo từng năm; thực hiện đầy đủ cả 3 loại hình kiểm toán (Báo cáo tài chính, tuân thủ và hoạt động), trong đó số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường ngày càng tăng.

Chỉ tính riêng từ năm 2015 trở lại đây, với 118 cuộc kiểm toán, KTNN chuyên ngành III đã kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác trên 5.600 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hơn 150 văn bản có nội dung không phù hợp và nhiều kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan.

Để đạt được những thành công trên là nhờ tập thể công chức, KTV KTNN chuyên ngành III đã nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các phương pháp trong hoạt động kiểm toán, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong đó, đơn vị luôn chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng kiểm toán hiện đại cho đội ngũ KTV. Bởi đây là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng kiểm toán.

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả nổi bật của đơn vị, đã có 7 tập thể, cá nhân đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ; 5 cá nhân vinh dự nhận Huân chương Lao động của Nhà nước; KTNN chuyên ngành III đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” 3 năm liền (2021, 2022, 2023), được Tổng Kiểm toán nhà nước tặng Bằng khen (năm 2022), tặng Cờ thi đua của KTNN và nhiều phần thưởng cao quý khác.

9b.jpg

Đơn vị cũng đề cao việc hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới thông qua việc thực hiện các cuộc kiểm toán chung hoặc tham gia các diễn đàn, hội thảo quốc tế để học tập kinh nghiệm tổ chức, qua đó giúp cải tiến và nâng cao chất lượng kiểm toán. Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất chính là đơn vị luôn tuân thủ tuyệt đối Bộ chuẩn mực quy tắc đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

Ông có thể chia sẻ cụ thể kinh nghiệm trong công tác tổ chức kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán để nâng cao chất lượng, từ đó mang lại kết quả cao trong thực hiện kiểm toán?

Để công tác kiểm toán đạt chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, KTNN chuyên ngành III chú trọng ngay từ khâu lựa chọn chủ đề kiểm toán, đầu mối kiểm toán. Đơn vị triển khai đến từng bộ phận, cá nhân để nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại thông tin, tình hình thực tế của các Bộ, ngành. Trên cơ sở đó lựa chọn các chủ đề, đầu mối kiểm toán thuộc phạm vi lĩnh vực được giao theo tinh thần “gọn nhưng chất”, tập trung vào các chủ đề “nóng” được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, việc lựa chọn các đầu mối kiểm toán tổng hợp, chi tiết tại từng Bộ, ngành luôn đảm bảo tính đại diện, và tránh chồng chéo với các cơ quan kiểm tra, thanh tra khác.

Trước khi kiểm toán, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán; trong đó quán triệt các đoàn kiểm toán, KTV thực hiện nghiêm các văn bản, quy định của Ngành về hoạt động kiểm toán theo tinh thần “Chất lượng kiểm toán và đạo đức công vụ”; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ nhân lực, ngay từ đầu năm, KTNN chuyên ngành III đã tổ chức xây dựng phương án kiểm toán, cân đối nguồn lực giữa các đoàn kiểm toán, trong đó tập trung nguồn nhân lực có năng lực tốt nhất để thực hiện các cuộc kiểm toán quan trọng. Việc bố trí nhân sự tham gia kiểm toán luôn có tính kế thừa, giao thoa giữa các KTV có nhiều kinh nghiệm và KTV trẻ để đào tạo đội ngũ KTV chuyên nghiệp, chuyên môn cao. Đồng thời, đơn vị luôn chú trọng đổi mới cách thức và phương pháp kiểm toán, chú trọng việc thu thập bằng chứng làm cơ sở cho các đánh giá, kiến nghị kiểm toán.

Đặc biệt, xác định vai trò quan trọng của công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, đơn vị đã tăng cường công tác này, trong đó tập trung nâng cao công tác tự soát xét của các Trưởng đoàn, Tổ trưởng tổ kiểm toán và các thành viên trong tổ kiểm toán. Công tác kiểm soát chất lượng được triển khai xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị, triển khai cho đến khi phát hành báo cáo kiểm toán; tăng cường kiểm soát trực tiếp kết hợp linh hoạt với kiểm soát qua hồ sơ... Thông qua công tác kiểm soát giúp kịp thời phát hiện, phòng ngừa nguy cơ có thể gây ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán để đoàn kiểm toán, KTV phải thận trọng hơn trong việc đưa ra đánh giá, kết luận kiểm toán.

Là đơn vị được giao chủ trì nhiều chuyên đề kiểm toán quan trọng của Ngành, ông có thể chia sẻ một số lưu ý cũng như công tác chuẩn bị để đơn vị thực hiện tốt trọng trách được giao?

Những năm vừa qua, tỷ trọng các cuộc kiểm toán chuyên đề của KTNN chuyên ngành III không ngừng tăng lên theo từng năm. Trong đó nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô lớn, với độ khó, độ phức tạp cao như: Chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Chuyên đề về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Chuyên đề quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ... Thông qua kiểm toán, đơn vị đã có nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật, đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện; trên cơ sở đó đưa ra nhiều kiến nghị có tính vĩ mô, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách còn bất cập.

Từ thực tiễn chủ trì thực hiện kiểm toán, để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán chuyên đề, đặc biệt là các chuyên đề có quy mô lớn, độ khó cao, KTNN chuyên ngành III đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức kiểm toán như sau:

Thứ nhất, cần chú trọng ngay từ bước lựa chọn chủ đề kiểm toán, phải lựa chọn được chủ đề kiểm toán đúng, trúng, những chủ đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm, từ đó tạo hiệu ứng sâu rộng trong xã hội.

Thứ hai, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng xây dựng đề cương kiểm toán; phải bố trí lực lượng KTV có trình độ chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm tham gia xây dựng Đề cương, chủ động triển khai sớm để làm cơ sở cho việc đào tạo, tập huấn. Đặc biệt với các chuyên đề chuyên sâu, cần thiết phải mời các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành liên quan đến chủ đề kiểm toán từ các Bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu để chia sẻ kinh nghiệm trước khi tổ chức kiểm toán.

Thứ ba, ưu tiên nguồn lực thực hiện kiểm toán các cuộc kiểm toán chuyên đề, tập trung KTV có năng lực chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm kiểm toán.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

NGUYỄN LỘC (thực hiện)