Nhận diện rủi ro cho doanh nghiệp trong thương mại điện tử

Kinh tế - Ngày đăng : 15:55, 04/07/2024

(BKTO) - Thương mại điện tử là “chìa khóa” mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kinh doanh trên nền tảng trực tuyến, các DN cũng phải đối mặt với nguy cơ gặp nhiều rủi ro hơn, đòi hỏi các DN cần nâng cao khả năng phòng ngừa, kiểm soát rủi ro để có thể kinh doanh thành công.
12-2.jpg
Thương mại điện tử giúp hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho DN. Ảnh minh họa

Cơ hội song hành với rủi ro, thách thức

Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá có sự tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất và hấp dẫn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây khá cao, khoảng hơn 20%.

Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030. Tại Dự thảo đặt ra mục tiêu, trong giai đoạn 2026-2030, phấn đấu tỷ lệ DN ứng dụng thương mại điện tử đạt trên 70%; 60% DN vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, ông Hoàng Ninh - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương - cho biết, kinh doanh trên nền tảng trực tuyến đem lại rất nhiều cơ hội, lợi ích cho DN. Cụ thể, thương mại điện tử giúp hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho DN. Các mô hình kinh doanh truyền thống đòi hỏi DN phải đầu tư chi phí ban đầu và chi phí vận hành lớn (bao gồm các chi phí về thuê, thiết kế mặt bằng; nhân viên; thiết bị bán hàng; kho bãi; quảng bá, giới thiệu sản phẩm…), trong khi đó, thương mại điện tử không đòi hỏi các chi phí này, do vậy DN có thể tiết kiệm đáng kể các khoản chi phí về đầu tư ban đầu và duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, thương mại điện tử giúp các DN dễ dàng tiếp cận khách hàng không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả với người mua toàn cầu, điều này đặc biệt quan trọng đối với các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, giúp họ mở rộng quy mô và tăng trưởng nhanh chóng…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, theo Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử cũng khiến các DN phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức. Trước hết, với “thị trường phẳng”, sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, theo đó sự lấn át của hàng hóa nước ngoài cả về mặt chất lượng, mẫu mã hấp dẫn, giá cả cạnh tranh sẽ là những trở ngại đáng kể làm giảm cơ hội kinh doanh của các DN trong nước.

Không chỉ đối mặt với áp lực cạnh tranh tăng cao, các DN còn có thể phải đối mặt với nhiều hình thức lừa đảo. Đơn cử như, lừa đảo dưới hình thức mạo danh của DN để trục lợi bất chính, dẫn tới mất uy tín của DN; hay lừa đảo dưới hình thức tạo ra các giao dịch mua bán với DN rồi tìm cách chiếm đoạt hàng hoá hoặc tiền bạc của DN… Nguyên nhân của các hình thức lừa đảo này là bởi nền tảng thương mại điện tử giúp kết nối bên mua và bên bán với nhau, nhưng chưa có cơ chế xác thực thông tin và tín nhiệm một cách hiệu quả; trong khi thói quen gặp gỡ, tìm hiểu thông tin đối tác trong các mô hình thương mại truyền thống đã bị phá vỡ. “Thương mại điện tử toàn cầu là “mảnh đất màu mỡ” cho các hoạt động phạm tội xuyên biên giới, tạo nên những rủi ro thương mại và rủi ro pháp lý cho DN khi tham gia vào thị trường này” - ông Phong nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, các DN Việt trong quá trình ứng dụng thương mại điện tử còn gặp nhiều trở ngại khi vận hành kinh doanh trực tuyến, nhất là giao dịch với các đối tác nước ngoài, như vấn đề về logisitcs, thanh toán, pháp lý…

Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro

Theo các chuyên gia, do đặc thù DN Việt Nam phần lớn là có quy mô vừa và nhỏ, nhiều DN còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nên rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo hoặc vướng vào các vụ việc tranh chấp thương mại. Do đó, việc nâng cao khả năng ứng phó với thách thức cũng như phòng ngừa, kiểm soát rủi ro khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là một yêu cầu cấp thiết đối với các DN trong bối cảnh thương mại điện tử đã, đang trở thành phương thức kinh doanh phổ biến trên toàn cầu.

Theo đó, để phòng ngừa rủi ro, các chuyên gia cho rằng, khi giao dịch trực tuyến, DN cần phải kiểm tra, xác minh kỹ, toàn diện các thông tin về đối tác, nhất là khi giao dịch với đối tác mới; theo đó, DN cần đề nghị đối tác cung cấp các giấy tờ cơ bản để kiểm chứng mức độ uy tín, tình hình hoạt động, khả năng tài chính… Bên cạnh đó, DN cần chú ý đến việc lưu trữ tất cả các thông tin trong quá trình giao dịch trực tuyến, nhằm có được những tài liệu phục vụ điều tra trong trường hợp xảy ra các tranh chấp thương mại. Song song với đó, trong thương mại điện tử, DN phải chú trọng nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hợp đồng, đảm bảo các điều khoản trong hợp đồng phù hợp, chặt chẽ, tránh việc hợp đồng thiếu nhiều điều khoản quan trọng, có thể gây bất lợi hoặc rủi ro cho DN. Đồng thời, DN cũng cần nâng cao hiểu biết về các quy tắc trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhất là phương thức thanh toán quốc tế, để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra trong các giao dịch thương mại trực tuyến…

Cùng với sự chủ động phòng ngừa rủi ro của DN, theo Luật sư Hà Huy Phong, để ngăn ngừa, hạn chế những rủi ro cho DN khi kinh doanh trên nền tảng trực tuyến, vai trò của quản lý nhà nước là rất quan trọng. Theo đó, việc xây dựng hệ thống chính sách, quy định pháp luật, cũng như việc thực thi hệ thống chính sách đó một cách nhất quán, hiệu quả là nhân tố quan trọng góp phần phòng ngừa rủi ro, đơn cử như các quy định về xác thực danh tính của người tham gia các sàn thương mại điện tử; chuẩn hoá các tiêu chuẩn về khai báo và công bố thông tin hàng hoá, DN…

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ DN trong việc tiếp cận, sử dụng các nền tảng thương mại điện tử một cách hiệu quả, thông qua việc hỗ trợ về đào tạo, hỗ trợ về kết nối với các đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử… Đồng thời, Nhà nước cần tạo lập sân chơi bình đẳng, minh bạch cho mọi đối tượng kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, qua đó nhằm phòng, chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng trên môi trường trực tuyến./.

THIỆN TRẦN