Việc giải ngân vốn đầu tư công đang chững lại

Kinh tế - Ngày đăng : 15:56, 04/07/2024

(BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) của cả nước đến hết tháng 6/2024 mới đạt 27,51% kế hoạch và đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân đang chững lại (cùng kỳ năm 2023 đạt 28,63% kế hoạch và đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
15-1.jpg
Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC. Ảnh minh họa

Vướng giải phóng mặt bằng và nguồn vốn mới bổ sung...

Ước thanh toán giải ngân vốn ĐTC của cả nước đến hết tháng 6/2024 mới được trên 196.669 tỷ đồng, đạt 27,51% kế hoạch và đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu không tính 11.916 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách trung ương (NSTƯ) mới được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, ước tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 6/2024 là 28% kế hoạch và đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân đang chững lại (cùng kỳ năm 2023 đạt 28,63% kế hoạch và đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng giao).

Đây là điều đáng lưu ý, bởi năm nay kế hoạch vốn ĐTC được Thủ tướng giao chỉ bằng 95% so với kế hoạch năm 2023. Đến nay, đa phần các Bộ, ngành, địa phương vẫn đang giải ngân rất chậm. Chẳng hạn, TP. Hà Nội dù có giá trị giải ngân vốn ĐTC cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 là 1.244 tỷ đồng và đứng thứ 2 cả nước về giá trị tuyệt đối sau Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhưng đến giữa tháng 6 vừa qua mới giải ngân được 17.175 tỷ đồng, đạt 21,2% kế hoạch vốn được giao (81.000 tỷ đồng). Ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội - cho biết, Thành phố gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... Đây là vướng mắc trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, một số dự án vẫn có khó khăn trong nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng. Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn ODA như: Dự án tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội gặp khó khăn do Hiệp định vay của nhà tài trợ ADB chưa được gia hạn; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án…

TP. Hồ Chí Minh cũng gặp tình trạng tương tự, việc giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư và thiếu nguồn nguyên liệu cát cũng làm việc giải ngân chậm lại. Do đó, theo Bộ Tài chính, với nguồn vốn ĐTC được giao trong năm 2024 trên 79.263 tỷ đồng, nhưng ước đến hết tháng 6, Thành phố mới giải ngân được trên 11.005 tỷ đồng, đạt 13,88% kế hoạch.

Theo Bộ Tài chính, những vướng mắc, khó khăn trong việc giải ngân vốn ĐTC năm 2024 đã được Bộ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ hằng tháng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn ĐTC 6 tháng đầu năm còn bị ảnh hưởng bởi 11.916 tỷ đồng vốn NSTƯ - lượng vốn tương đối lớn mới được Thủ tướng giao bổ sung, nên khó có thể giải ngân kịp thời nguồn vốn này trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, 38 công trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành GTVT đến ngày 12/6 giải ngân được trên 29.515 tỷ đồng, đạt 27,4% kế hoạch vốn giao. 86 dự án giao thông liên vùng do 61 địa phương quản lý đến ngày 12/6 giải ngân được 4.833,9 tỷ đồng, đạt 17,2% kế hoạch vốn giao. 21 dự án sạt lở sông biển do các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long quản lý đến ngày 18/6/2024 giải ngân được trên 818 tỷ đồng, đạt 20,45% kế hoạch vốn giao. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều dự án chưa giải ngân và nhiều dự án giải ngân dưới 5% đã kéo tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt thấp.

Khẩn trương phân bổ chi tiết vốn bổ sung, điều chuyển vốn theo thẩm quyền...

Tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt thấp sẽ dồn “gánh nặng” vào 6 tháng cuối năm. Do đó, để đưa một lượng vốn lớn vào xã hội từ nay đến cuối năm, cần sự quyết liệt hơn nữa từ các Bộ, ngành, địa phương. Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính - cho biết, với vai trò và trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các Bộ, ngành, địa phương được giao bổ sung vốn NSTƯ từ nguồn tăng thu năm 2022 khẩn trương phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc làm căn cứ giải ngân vốn trong thời gian tới.

Đặc biệt, đối với việc giải ngân vốn ĐTC của 38 công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT; 86 dự án giao thông liên vùng do 61 địa phương quản lý, nhất là các dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân dưới 5%, Bộ Tài chính đã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ đủ kế hoạch vốn ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2024 cho các dự án theo đúng quy định và khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn NSTƯ năm 2024 từ nguồn tăng thu NSTƯ năm 2022 để triển khai thực hiện. Đề nghị Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC theo đúng các nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo chủ đầu tư, sở, ngành, nhà thầu và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn đầu tư công các dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước; chủ động điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị gửi các Bộ có liên quan để tổng hợp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân nguồn vốn được phép kéo dài sang năm 2024. Tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 21/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn NSTƯ đến năm 2024 đối với 38 dự án của các Bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, đối với số vốn chưa phân bổ năm 2024 dự kiến bố trí cho các dự án nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn để thống nhất thực hiện.

Liên quan đến việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số Bộ, ông Dương Bá Đức cho biết, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, theo Quyết định phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2024 từ nguồn tăng thu NSTƯ 2022, Bộ GTVT tiếp tục giao nhiệm vụ chủ đầu tư và kế hoạch vốn cho Sở GTVT các tỉnh: Phú Thọ, Ninh Bình, Quảng Ngãi (là các đơn vị không trực thuộc Bộ GTVT) để thực hiện đầu tư các dự án: Tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; nâng cấp, cải tạo quốc lộ 24B đoạn Km23 - Km29. Để thống nhất thực hiện và đủ cơ sở pháp lý thực hiện kiểm tra phân bổ, phê duyệt dự toán trên Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn năm cho các dự án, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có ý kiến về việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số bộ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

MINH ANH