Danh mục thuốc bảo hiểm y tế cần được bổ sung hàng năm

Xã hội - Ngày đăng : 17:16, 26/06/2024

Góp ý vào Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc chậm ban hành và ít cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả sẽ làm đến chất lượng điều trị, ảnh hưởng đến đến quyền và lợi ích chính đáng của người bệnh.
202406261424150293_z5575619016990_84f7254529ab3c03c0188088c2ade80e.jpg
Quang cảnh Phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chiều 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Trong  đó, việc cập nhật thường xuyên danh mục thuốc do BHYT chi trả là đề xuất được nhiều đại biểu đặt ra.

Dành toàn bộ thời gian thảo luận của mình để trao đổi về rà soát, bổ sung thuốc và danh mục thuốc được BHYT chi trả, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP. Hà Nội) cho biết, đây là nội dung quan trọng thể hiện nhóm chính sách số 1 đã được thông qua khi đề nghị đưa Dự án luật sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đây cũng là một trong những vấn đề mà cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay. Đó là danh mục thuốc được BHYT chi trả, tỷ lệ được hưởng BHYT đối với những thuốc đồng chi trả và danh mục thuốc BHYT tại tuyến y tế cơ sở.

202406261518075815_z5575785973944_82ed008133d6f67e39446bfcb5cd13d8.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo đại biểu, hiện nay, danh mục thuốc được BHYT chi trả đang được quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế. Thông tư số 20 cũng chỉ bổ sung thêm 7 hoạt chất so với quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BYT nhưng những hoạt chất này chỉ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong điều trị Covid-19; trong khi các hoạt chất đó có thể được chỉ định điều trị trong nhiều trường hợp thiết yếu khác.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp dược đang có những tiến bộ về khoa học, có nhiều thuốc thế hệ mới hay một số dạng bào chế đặc biệt làm tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh, việc chậm ban hành và ít cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả sẽ làm ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận các phương thức điều trị mới tiên tiến trên thế giới, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, những người chỉ trông chờ và bảo hiểm y tế để được khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà

Từ phân tích trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị cần luật hóa nội dung này, bổ sung vào Dự thảo Luật quy định về việc ban hành danh mục thuốc được BHYT chi trả. Nội dung quy định mới bao gồm các nguyên tắc, điều kiện đưa thuốc vào danh mục; quy trình, thủ tục, rà soát, bổ sung thuốc vào danh mục được BHYT chi trả. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng cần quan tâm việc cập nhật danh mục phải thực hiện hằng năm và giao Bộ Y tế quy định chi tiết điều này.

Là một trong những đại biểu Quốc hội gắn bó với ngành Y, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội) cũng nhấn mạnh, danh mục thuốc thanh toán BHYT được ban hành bằng các Thông tư, nhưng từ năm 2011 đến nay mới có 4 lần ban hành. Như vậy, khoảng từ 3 đến 4 năm, Bộ Y tế mới ban hành một Thông tư quy định danh mục thuốc mới.

Tại mỗi Thông tư, số thuốc được bổ sung cũng rất ít ỏi. Đơn cử, ở Thông tư số 20 năm 2022 cũng chỉ bổ sung thêm 7 hoạt chất để thành 1.037 hoạt chất, so với 1.030 hoạt chất tại Thông tư 30 năm 2018.

202406261518075815_z5575813471073_9d5d73121a28fb90f07f4761a2c2573c.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, hiện nay khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, các thuốc mới ra đời nhanh và nhiều, liên tục xuất hiện thêm các phác đồ điều trị mới, làm thay đổi cơ bản chất lượng điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh ác tính trong hầu hết các chuyên khoa nội, ngoại, sản nhi, huyết học, viêm gan...

"Chính vì vậy, sự chậm trễ trong việc bổ sung thuốc và danh mục ít ỏi đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị cho người bệnh. Đây là nguyên nhân người Việt Nam vẫn không ngừng ra nước ngoài điều trị vì mới có thuốc và có thuốc mới" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu thực tế.

Do đó, đại biểu đề nghị với lần sửa đổi này, Luật Dược cần có thêm nội dung quy định danh mục thuốc là trách nhiệm của Bộ Y tế và cho cán bộ y tế sử dụng để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Đồng thời, danh mục này phải được bổ sung hằng năm.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng điều khoản quy định về điều chỉnh tỷ lệ đồng chi trả được thực hiện hàng năm. Qua đó, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính phải điều trị lâu dài (có những thuốc phải điều trị trên 3 năm), những người có hoàn cảnh khó khăn, chỉ trông chờ vào bảo hiểm y tế để được khám, chữa bệnh.

Quan tâm đến vấn đề thuốc hiếm phục vụ cho khám, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn TP. HCM) thống nhất với đề xuất thành lập Trung tâm dự trữ thuốc hiếm quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, theo Thông tư số 26/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, có tới 214 danh mục thuốc điều trị bệnh hiếm gặp, và 219 danh mục thuốc không có sẵn.

202406261454283042_z5575758039911_aaa3d932e7388dfd3cf77f4c25d91622.jpg
Đại biểu Nguyễn Tri Thức phát biểu thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Vì vậy, đại biểu Thức cho rằng, chỉ nên thành lập Trung tâm dự trữ thuốc hiếm điều trị bệnh cấp cứu, chứ không phải thuốc hiếm điều trị các bệnh mãn tính và bệnh hiếm gặp để tránh lãng phí.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần lưu ý về hiệu lực của Luật. Bởi trên thực tế, Luật toàn phải “chờ” nghị định và thông tư.

“Chúng ta đã có Điều 3 về thuốc hiếm, tức là Nhà nước thực hiện dự trữ quốc gia về thuốc và nguyên liệu làm thuốc để sử dụng trong trường hợp phòng, chẩn đoán và điều trị các bệnh hiếm gặp, thuốc không sẵn có. Nhưng trên thực tế, khi xảy ra chuyện lúc đó mới nhắc nhở nhau đi mua thuốc hiếm và cho tới giờ vẫn không nhúc nhích gì, dù rằng điều khoản này đã có từ Luật Dược 2016” - đại biểu phản ánh./.

Đ. KHOA