Ngăn lừa đảo qua mạng bằng "tấm khiên" sinh trắc học

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 05:58, 08/07/2024

(BKTO) - Sinh trắc học được coi là "tấm khiên", là "lá chắn" ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản qua mạng đang ngày càng có xu hướng gia tăng và phức tạp…
sinh-trac-hoc.jpg
Việc xác thực sinh trắc học là hết sức cần thiết, giúp khách hàng đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, tài sản cá nhân và tự bảo vệ mình. Ảnh minh họa

Muôn hình vạn trạng các hình thức lừa đảo qua mạng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây khẳng định, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với những rủi ro, thách thức liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật trước nguy cơ bị tấn công mạng; tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn và có xu hướng gia tăng.

Cụ thể hơn, theo ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trực tiếp của khách hàng bằng cách lợi dụng các kênh truyền thông phổ biến để tấn công vào tâm lý của khách hàng, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cho tài khoản lừa đảo. Bên cạnh đó, các đối tượng còn lừa đảo, chiếm đoạt các thông tin đăng nhập, xác thực giao dịch ngân hàng điện tử hoặc chiếm quyền điều khiển thiết bị của khách hàng; thực hiện các hành vi chiếm đoạt tiền từ tài khoản của khách hàng.

Từ góc độ của ngành công an, Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an - thông tin thêm, hiện nay có rất nhiều đối tượng lừa đảo, nhất là lừa đảo thông qua không gian mạng.

Ông Tùng cho biết một số hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay: Thứ nhất, mạo danh cơ quan, tổ chức có uy tín như mạo danh cơ quan công an hay NHNN, mạo danh người thân, ngân hàng, mời gọi tham gia trại hè. Riêng mạo danh chiếm 50% các loại phương thức, hoạt động lừa đảo.

Thứ hai, mời gọi đầu tư các loại hình kinh doanh trên mạng như: Việc nhẹ lương cao, đầu tư sàn vàng, sàn chứng khoán quốc tế. Ví dụ trường hợp đầu tư vào sàn vàng, chứng khoán quốc tế nhưng không cho rút tiền mà yêu cầu đóng thêm mới rút được. Thứ ba, các đối tượng lợi dụng quan hệ cá nhân, làm quen, tặng quà, bắt nộp thủ tục hải quan. Thứ tư, lừa đảo người dân nhấp vào đường link, thiết bị để chiếm đoạt tiền và tài khoản.

Đáng lưu ý, theo ông Tùng, ngay khi các chính sách mới được triển khai, trong đó có quy định về cập nhật sinh trắc học, một số đối tượng ở nước ngoài đã liên hệ với cá nhân ở Việt Nam để giả danh nhân viên ngân hàng thực hiện hỗ trợ cập nhật sinh trắc học cho người dân nhằm mục đích lừa đảo.

Trong các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần đầu tháng 7, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đặc biệt lưu ý chiêu lừa mới, đó là mạo danh các ngân hàng lừa hướng dẫn người dân thực hiện xác thực sinh trắc học để chiếm đoạt tài sản.

Thêm lớp bảo vệ cho các giao dịch thanh toán

Trước tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng ngày càng có xu hướng gia tăng, phức tạp, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345).

Mục tiêu của Quyết định là hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Theo Quyết định 2345, từ ngày 01/7/2024, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho rằng, việc thực hiện xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm một lớp bảo vệ nên chắc chắn an toàn hơn. Trường hợp khách hàng làm mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ hay không.

Xác thực sinh trắc học là thêm một lớp bảo vệ nữa để an toàn hơn cho khách hàng. Tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi hơn và công nghệ phải không ngừng nâng cao để bảo vệ tài sản của khách hàng được tốt hơn.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng 

Trung tá Triệu Mạnh Tùng đánh giá: “Quyết định 2345 không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho các giao dịch thanh toán của khách hàng mà còn góp phần phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng”. Để đảm bảo triển khai hiệu quả Quyết định 2345, ông Triệu Mạnh Tùng cho biết, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công an về việc xây dựng quy trình phối hợp liên ngành Bộ Công an - NHNN - ngân hàng thương mại nhằm ngăn chặn tối đa tội phạm lừa đảo qua mạng.

Ông Triệu Mạnh Tùng cũng đề nghị các ngân hàng phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho nhân viên, khách hàng về các thủ đoạn của tội phạm sử dụng không gian mạng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, các ngân hàng cần áp dụng phân tích dữ liệu lớn đối với việc sử dụng tài khoản của khách hàng để nhận diện được dấu hiệu lừa đảo. Trong quá trình hoạt động, nếu xảy ra rủi ro ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, các ngân hàng cần trao đổi sớm với Bộ Công an để nghiên cứu, phát hiện, xử lý nhanh nhất những vấn đề phát sinh - ông Tùng khuyến nghị.

Đến ngày 05/7, các ngân hàng đã đối chiếu làm sạch khoảng 19 triệu tài khoản thông qua căn cước công dân gắn chíp do Bộ Công an cấp, trong đó có 10% số người được ngân hàng hỗ trợ làm việc trực tiếp tại quầy (đó là những khách hàng không có căn cước công dân gắn chip hoặc không có điện thoại kết nối NFC - NFC - chuẩn kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn).

Đến hết ngày 05/7, giao dịch đạt mức đỉnh của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng là 26,3 triệu giao dịch, đây cũng là mức lớn nhất trong 10 ngày gần đây, trong đó, 8,35% là giao dịch trên 10 triệu đồng. 

Luật sư Trương Thanh Đức cũng khuyến cáo người dân cần cân nhắc giữa tiện ích và rủi ro. Đặc biệt trong bối cảnh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng đang trở thành một vấn nạn  không chỉ ở trong nước mà cả thế giới, việc xác thực sinh trắc học là hết sức cần thiết.

“Khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng cần thực hiện xác thực sinh trắc học để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, tài sản cá nhân và tự bảo vệ mình, tránh xảy ra thiệt hại đáng tiếc. Đây là biện pháp giúp ngăn chặn vấn nạn tội phạm công nghệ, bảo vệ hệ thống ngân hàng. Việc xác thực sinh trắc học chỉ cần thực hiện một lần nhưng đem lại sự thuận tiện chứ không hề gây phiền toái cho khách hàng” - Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Để quy định về sinh trắc học được triển khai hiệu quả, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - đề xuất NHNN hướng dẫn các ngân hàng từng bước tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn về sinh trắc học và xác thực định danh điện tử, từ đó xây dựng bộ tiêu chuẩn chung để ngân hàng áp dụng.

Về phía khách hàng, bà Giao khuyến nghị cần có nhận thức đúng, đầy đủ về lợi ích của sinh trắc học, trang bị kiến thức về giao dịch an toàn trên môi trường số./.

ĐỨC THÀNH