Kiên Giang: Số vụ vi phạm trong đánh bắt trên biển còn lớn
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 11:05, 08/07/2024
Đây là thông tin được cho biết tại Hội thảo “Kiên Giang chung sức tháo gỡ thẻ vàng EC gắn với phát triển kinh tế biển bền vững” diễn ra chiều 06/7.
Theo ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, các tiềm năng, lợi thế đã tạo điều kiện cho Kiên Giang phát triển một ngành thủy sản đa dạng, từng bước đưa Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Việc khai thác, đánh bắt hải sản vẫn giữ vai trò trụ cột trong ngành thủy sản của tỉnh.
Toàn tỉnh có khoảng hơn 200 doanh nghiệp sơ chế, chế biến thủy sản, trong đó có 25 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản quy mô lớn; thông qua hoạt động khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản đã giải quyết việc làm cho trên 200.000 lao động phổ thông của tỉnh, trong đó có hơn 70.000 người lao động trực tiếp trên biển, góp phần rất đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định đời sống, xã hội.
Tuy nhiên, ngành thủy sản của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển một cách hiệu quả và bền vững, đặc biệt là chưa gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC về IUU.
Tại Hội thảo, các đại diện, chuyên gia đã cập nhật cung cấp các thông tin liên quan đến những nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc chống đánh bắt trái phép của Việt Nam đến thời điểm hiện nay; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới…
Sau gần 7 năm thực hiện nhiệm vụ chống khai khác IUU gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC, tỉnh đã nhận ra nhiều bất cập trong công tác quản lý hoạt động nghề cá nói chung, trong đó có việc quản lý đội tàu, quản lý tình trạng khai thác thủy sản vô tội vạ theo kiểu “chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn” hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản, hủy hoại môi trường, thiếu tính bền vững.
Trên cơ sở thực tế nêu trên, hệ thống chính trị Kiên Giang đã vào cuộc với quyết tâm chính trị rất cao, đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Hiện 100% tàu cá có chiều dài trên 15 mét đều đã được lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) để quản lý hoạt động khai thác thủy sản; 100% tàu cá ra vào các trạm kiểm soát biên phòng và các cảng cá chỉ định đều được kiểm tra, kiểm soát đủ điều kiện hoạt động;
100% tàu cá đã được đánh dấu nhận dạng đúng quy định, đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để đưa vào đăng ký quản lý trên 2.000 tàu chưa đăng ký, dự kiến đến tháng 9/2024 sẽ hoàn thành và cũng đang làm thủ tục phối hợp cơ quan Công an đưa vào quản lý tàu cá cùng với mã định danh của chủ tàu, cũng sẽ hoàn thành trong tháng 9/2024…
Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, với chương trình hành động của tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, các đơn vị đóng trên địa bàn cùng các sở, ban, ngành và địa phương tập trung các đợt cao điểm, huy động mọi nguồn lực triển khai động bộ, hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU, giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay.
Tất cả cùng đồng hành, hỗ trợ bà con ngư dân vững tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế và thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU.
Ông Nhàn mong muốn chủ doanh nghiệp, chủ tàu và bà con ngư dân mình, những người đại diện hôm nay cho hơn 200.000 lao động trong ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang sẽ cùng chính quyền địa phương quyết liệt tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản./.