Quảng Bình: GRDP 6 tháng ước tăng 6,5%
Địa phương - Ngày đăng : 11:38, 08/07/2024
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%
Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình, ước tính tổng sản phẩm (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2024 đạt 14.927,7 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.731 tỷ đồng, tăng 2,96%, đóng góp 0,62 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 3.998,9 tỷ đồng, tăng 7,96%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đạt 7.709,1 tỷ đồng, tăng 7,03%, đóng góp 4 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 488,7 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 0,25 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh này.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 6,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đạt 14.255,1 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước đạt 3.010,8 tỷ đồng, tăng 0,8%; khu vực ngoài nhà nước đạt 11.224,4 tỷ đồng, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,9 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách thực hiện hơn 3.477 tỷ đồng, đạt gần 57% dự toán địa phương. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 11.726 lao động, đạt 60,1%. Số hộ nghèo giảm 473 hộ so với đầu năm.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú, đa dạng được chuẩn bị, tổ chức sôi nổi, đặc biệt là chuỗi các hoạt động nhân dịp Kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949- 5/7/2024), 35 năm Ngày Tái lập tỉnh (01/7/1989 - 01/7/2024) đã được tổ chức chu đáo, thành công, thu hút đông đảo người dân, du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.
Tập trung thực hiện các chỉ tiêu đạt thấp, khó đạt
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của Quảng Bình còn một số hạn chế: Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; nhiều vướng mắc về đầu tư, đất đai, môi trường vẫn chưa được tháo gỡ triệt để; giải phóng mặt bằng một số công trình trọng điểm còn chậm…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - ông Trần Thắng - yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, trong đó chú ý đến những khâu khó, việc yếu, chỉ tiêu đạt còn thấp hoặc khó đạt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 7,0 - 7,5%; đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng điểm trong 6 tháng còn lại của năm 2024, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục, tạo điều kiện khởi công Nhà ga hành khánh T2 và mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng Hàng không Đồng Hới trong năm 2024; phối hợp triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm (đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường dây 500KV mạch 3...) đảm bảo tiến độ, chất lượng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; thực hiện giải pháp nâng cao các bộ chỉ số PCI, PAPI, PAR-Index, SIPAS trong năm 2024; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác điều hành của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.../.