Bao phủ bảo hiểm y tế đến mọi đối tượng
Xã hội - Ngày đăng : 16:40, 04/07/2024
Tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận bảo hiểm y tế
Tại Lễ niệm 15 năm ngày BHYT Việt Nam (01/7/2009 - 01/7/2024) vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, cả nước hiện có trên 93 triệu người tham gia BHYT, đạt 93,35% dân số. Con số này chứng tỏ BHYT là một nhu cầu của đời sống xã hội.
Quỹ BHYT cũng luôn được cân đối, có kết dư và đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB). Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Nhấn mạnh việc thực hiện chính sách BHYT là một nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tập trung tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; duy trì và mở rộng bền vững đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt là tham gia BHYT theo hộ gia đình. “Phấn đấu đến năm 2025 là 95% dân số, đến năm 2030 đạt trên 95% dân số tham gia BHYT” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động, thân nhân người lao động, các đối tượng yếu thế; rà soát bảo đảm không bỏ sót các đối tượng, thực hiện bao phủ BHYT đến mọi đối tượng trong xã hội.
Song song đó, tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, nhất là tuyến y tế cơ sở; tạo điều kiện cho các bệnh viện tư nhân tham gia KCB bằng BHYT, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm thiểu tình trạng lãng phí.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ KCB; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức thực hiện; chia sẻ, sử dụng thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế.
Chúng tôi sẽ xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải đóng BHYT theo Luật BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian qua, quy định về thông tuyến KCB BHYT tuyến huyện và tuyến tỉnh đã tạo thuận lợi rất lớn cho người tham gia BHYT.
Đặc biệt, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã được tích hợp, kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và một số Bộ, ngành. Đây là nền tảng để liên thông, chia sẻ, phục vụ quản lý và cải cách thủ tục hành chính.
“Khi đó, người dân không phải lo lắng việc bảo quản hay quên thẻ BHYT, đồng thời tiết kiệm thời gian đón tiếp, hướng dẫn người bệnh của cơ sở KCB” - ông Nguyễn Thế Mạnh nói, đồng thời cho biết, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang phối hợp xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe,...
Mở rộng quyền lợi để ngăn ngừa, điều trị bệnh từ sớm, từ xa
Cùng với các giải pháp mở rộng bền vững tỷ lệ người tham gia BHYT, lãnh đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chính sách BHYT sẽ tiếp tục hoàn thiện theo hướng mở rộng các quyền lợi để giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh từ sớm, từ xa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, tính toán đề xuất mức đóng phù hợp để bảo đảm khả năng cân đối của Quỹ BHYT.
Cùng với đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thông tin, ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đề xuất áp dụng thông tuyến BHYT giữa các cơ sở KCB với bệnh nhân đã chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu; ban hành các quy trình, quy chế, công cụ kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ BHYT, giảm chi phí không cần thiết, tiết kiệm, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi, sử dụng lãng phí Quỹ BHYT để tập trung mọi nguồn lực cho KCB, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, BHYT là thành phần cơ bản trong chăm sóc sức khỏe người dân, nhằm giảm gánh nặng kinh tế cho người dân, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu. BHYT Việt Nam đã giúp hàng triệu người dân được chăm sóc sức khỏe.
“Trong tương lai, chúng ta cần phải cân nhắc việc thiết kế những dịch vụ nào được Quỹ BHYT chi trả và cách thức khuyến khích phù hợp để các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả nhất. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc thiết kế chính sách và thanh toán BHYT có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc xác định các dịch vụ được cung cấp ở mỗi cấp độ của hệ thống y tế. Đây cũng là đòn bẩy quan trọng để định hướng toàn bộ hệ thống tới chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng hơn” - Trưởng đại diện WHO đưa ra khuyến nghị.
Hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó chú trọng công tác khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi của người dân.