Cơ quan kiểm toán có thể đóng vai trò chủ chốt như một cơ quan phòng, chống tham nhũng
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 13:00, 09/07/2024
Đóng góp đáng kể trong việc phát hiện các trường hợp sai phạm
Tham luận tại Hội thảo, ông Hendra Susanto - Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Indonesia - cho biết, Cơ quan Kiểm toán Tối cao, còn gọi là Ủy ban Kiểm toán Indonesia (BPK) có vai trò then chốt trong việc chống tham nhũng và thúc đẩy tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt.
“Năm 2016, BPK thành lập bộ phận kiểm toán điều tra. Từ năm 2017 đến quý II/2023, BPK đã xử lý 28 trường hợp gây tổn thất cho nhà nước với tổng trị giá 32,53 nghìn tỷ Rp, tương đương 2,04 tỷ USD. BPK đã phát hành 409 báo cáo kiểm toán, với tổng phát hiện thất thoát của nhà nước lên tới 60,91 nghìn tỷ Rp, tương đương 3,82 tỷ USD. Hơn nữa, BPK đã cung cấp lời khai của các chuyên gia trong 368 phiên tòa xét xử tham nhũng. Điều này cho thấy, BPK đóng góp đáng kể trong việc phát hiện các trường hợp sai phạm và nâng cao trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của Chính phủ” - ông Hendra Susanto nêu rõ.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Indonesia, BPK đặt mục tiêu tăng cường năng lực chống tham nhũng một cách hiệu quả và nỗ lực tăng cường khả năng truy tìm các giao dịch bất hợp pháp để thu thập bằng chứng kiểm toán và bảo vệ bằng chứng kỹ thuật số cũng như sửa đổi Biên bản ghi nhớ (MoU) với các Cơ quan Chính phủ. Các hoạt động này giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho kiểm toán viên; cải thiện hiệu quả kiểm toán; giúp giảm thiểu rủi ro gian lận trong các đơn vị được kiểm toán.
“Hơn nữa, thông qua các sáng kiến như cải tiến tổ chức, nâng cao năng lực điều tra kỹ thuật số và phát triển hệ thống phòng chống tham nhũng, BPK nỗ lực thúc đẩy văn hóa liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình trên tất cả các khía cạnh hoạt động của mình. Những biện pháp chủ động này thể hiện cam kết của cơ quan kiểm toán trong việc duy trì niềm tin của công chúng, bảo vệ tính liêm chính của tổ chức và thúc đẩy tiến bộ xã hội thông qua các hoạt động quản trị có trách nhiệm” - Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Indonesia nhấn mạnh.
Các yêu cầu kiểm toán như một yếu tố chính trong phòng ngừa tham nhũng
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Benedikt Hofmann - Phó Trưởng Đại diện của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương - thông tin, theo Công ước Liên hợp quốc về chống Tham nhũng (UNCAC), tham nhũng bao gồm nhiều hình thái như hối lộ; tham ô, biển thủ hoặc các hành vi chiếm đoạt tài sản khác của công chức hoặc tham ô tài sản trong khu vực tư nhân; trao đổi tầm ảnh hưởng; lạm dụng chức vụ; làm giàu bất hợp pháp; rửa tiền có được từ tội phạm; cản trở thi hành công vụ.
Trên thực tế, với sự tiến bộ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, tham nhũng đang ngày càng gia tăng giống như các loại tội phạm khác. Tham nhũng có ở mọi cấp độ, từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn, đặc biệt là tham nhũng nghiêm trọng và có hệ thống, tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm.
“UNCAC có cách tiếp cận toàn diện độc đáo, áp dụng các biện pháp phòng ngừa và thực thi, bao gồm các yêu cầu bắt buộc về việc hình sự hóa các hành vi tham nhũng. Công ước cũng phản ánh đặc tính xuyên quốc gia của tham nhũng, cung cấp cơ sở pháp lý quốc tế cho phép hợp tác quốc tế và thu hồi tiền tham nhũng - tài sản bị đánh cắp” - ông Benedikt Hofmann chia sẻ.
Theo UNCAC, tính liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong quản lý tài chính công và tài sản công là điều cốt yếu và là nền tảng cho sự tin tưởng của người dân. UNCAC có các quy định về yêu cầu kiểm toán như một yếu tố chính trong phòng ngừa tham nhũng, cả trong khu vực công và khu vực tư. Các điều khoản khác của Công ước cũng nêu rõ rằng, việc kiểm toán viên thực hiện đầy đủ vai trò của mình là rất quan trọng.
“Một cơ quan kiểm toán có thể đóng vai trò chủ chốt như một cơ quan phòng, chống tham nhũng. Nhưng tùy thuộc nhiệm vụ cụ thể, cơ quan kiểm toán cũng là một cơ quan chuyên trách trên cơ sở hợp tác trong nước và quốc tế để thực hiện các chức năng của mình một cách hiệu quả” - ông Benedikt Hofmann nhấn mạnh.
Theo ông Benedikt, việc thực hiện UNCAC của các quốc gia thành viên được đánh giá thông qua Cơ chế Đánh giá thực thi UNCAC. Đây là một quy trình đánh giá đồng đẳng liên Chính phủ giúp các quốc gia đánh giá luật pháp, quy trình và các thể chế chống tham nhũng tại từng quốc gia; tạo điều kiện để học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau.
Phó Trưởng Đại diện của UNODC Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương đánh giá, Việt Nam đã hoàn thành quá trình đánh giá UNCAC và cũng đã tham gia đánh giá các quốc gia khác.
"Những nỗ lực của Việt Nam rất xứng đáng được biểu dương. Tuy nhiên vẫn còn những thách thức để UNCAC trở thành cơ sở vững chắc cho việc xây dựng các bước tiếp theo để ngăn chặn và xử lý tham nhũng tại bất kỳ quốc gia nào"
Phó Trưởng Đại diện của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương
Nhấn mạnh vai trò chủ chốt của các SAI và kiểm toán viên trong cuộc chiến chống tham nhũng, ông Benedikt Hofmann khẳng định, UNODC sẵn sàng thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác với KTNN Việt Nam dựa trên mối quan hệ đối tác hiệu quả đã có trong nhiều thập kỷ qua.
UNCAC là công ước chống tham nhũng duy nhất có tính ràng buộc pháp lý trên thế giới, đã được thông qua cách đây hơn 20 năm. Tính đến nay, UNCAC đã có 190 quốc gia thành viên, bao gồm cả Việt Nam, thể hiện cam kết mang tính đột phá về chống tham nhũng.
Kiểm toán các lĩnh vực trọng yếu, những vấn đề Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm
Chia sẻ kinh nghiệm của nước chủ nhà, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, KTNN Việt Nam với địa vị pháp lý “Là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, góp phần minh bạch và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
KTNN đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm; các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát.
“Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính và xử lý khác hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Các kiến nghị về xử lý tài chính luôn được các cơ quan, đơn vị được kiểm toán triển khai theo dõi và thực hiện kịp thời. Trong đó, số kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN được thực hiện hàng năm theo báo cáo đều đạt trên 75% tổng số kiến nghị” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho hay, KTNN đã chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, KTNN cũng cung cấp nhiều hồ sơ, Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Hàng năm, KTNN Việt Nam đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Từ thực tiễn thời gian qua, để thực hiện tốt chức năng phòng, chống tham nhũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh, KTNN Việt Nam cần làm tốt một số công việc sau:
Xác định rõ và đầy đủ cơ sở pháp lý về vai trò của KTNN trong phòng, chống tham nhũng; tập trung kiểm toán vào những lĩnh vực nhạy cảm, có hiện tượng tiêu cực được xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, hệ thống định mức, đơn giá xây dựng cơ bản, các dự án giao thông, thủy lợi…
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về cơ chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và KTNN trong việc trao đổi thông tin; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên có năng lực toàn diện, trình độ chuyên môn cao, nhạy bén, sáng tạo, năng động, thích ứng với hội nhập quốc tế và nâng cao khả năng dự báo, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng.
Tăng cường hội nhập quốc tế, nghiên cứu và vận dụng linh hoạt Chuẩn mực kiểm toán, thông lệ tốt của các Cơ quan kiểm toán tối cao phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt là các kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt./.