Xét xử trực tuyến giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước

Pháp luật - Ngày đăng : 18:50, 09/07/2024

(BKTO) - Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, từ ngày 01/1/2022 đến nay, các Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, đã tiết kiệm ngân sách nhà nước hơn 96 tỷ đồng.
tand-quang-ngai-xet-xu-truc-tuyen.jpeg
Việc xét xử trực tuyến sẽ giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân. Ảnh sưu tầm

Theo Tòa án nhân dân tối cao, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch, đồng thời chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức các phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến.

Việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Hình thức xét xử này đã hạn chế tập trung đông người, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý, tiết kiệm chi phí đi lại, giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông.

Việc xét xử trực tuyến cũng giúp tiết kiệm chi phí dẫn giải, bảo vệ; khắc phục tình trạng người bị kiện không tham gia phiên tòa, góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần trong giải quyết các vụ việc hành chính.

Trong nhiều trường hợp, các phiên tòa trực tuyến còn đảm bảo tính nhân văn, nhất là với các vụ án hình sự có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em…, người bị hại không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa.

Theo dự toán của các đơn vị chuyên môn thuộc Tòa án nhân dân tối cao, với 20.000 vụ án đã xét xử bằng hình thức trực tuyến, ước tính ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được hơn 96 tỷ đồng; việc triển khai Tòa án điện tử sẽ tiết kiệm từ 10% đến 15% chi phí hoạt động của Tòa án và chi phí xã hội, trong khi người dân được thụ hưởng nền tư pháp văn minh.

Kết quả trên cho thấy sự quyết tâm của Tòa án nhân dân các cấp, khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân./.

ĐINH TRANG