Việt Nam đi đầu trong sử dụng nguồn lực Bảo hiểm y tế cho điều trị HIV/AIDS

Xã hội - Ngày đăng : 19:35, 21/11/2018

(BKTO) - Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo "Hướng dẫn tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn Bảo hiểm y tế năm 2019 đối với các cơ sở điều trị HIV/AIDS" khu vực phía Bắc, do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 20/11, Bà Ritu Singh- Giám đốc Chương trình Y tế thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) nhấn mạnh: Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân, nhờ sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với chăm sóc y tế nói chung và HIV nói riêng.


                
   

Bà Ritu Singh trả lời phỏng vấn báo chí- Ảnh: Đ. Khoa

   
Theo bà Ritu Singh: Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á cam kết nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 do UNAIDS khởi xướng. Theo đó, 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi-rút và 90% số người điều trị đạt được ngưỡng ức chế tải lượng vi-rút.

Việt Nam đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch HIV. Dịch HIV ở Việt Nam hiện tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như nhóm người nghiện ma túy, phụ nữ mại dâm và quan hệ tình dục đồng giới. Tỷ lệ lây nhiễm HIV trên cả nước đã giảm đáng kể trong suốt một thập kỷ qua, nhưng vẫn còn nhiều quan ngại về tình trạng nhiễm HIV gia tăng ở các nhóm nguy cơ cao đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới ở các khu vực thành thị như Hà Nội, TP. HCM và các đô thị lân cận.

Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục triển khai mạnh mẽ các mô hình và sáng kiến nhằm kiểm soát dịch HIV, như mô hình điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone, giúp giảm đáng kể sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng nhóm nghiện ma túy. Gần đây nhất, Chính phủ Việt Nam đã thí điểm mô hình Prep- điều trị dự phòng trước lây nhiễm để ngăn ngừa lây nhiễm ở các nhóm có nguy cơ cao. Việt Nam cũng đã triển khai mô hình phòng chống dịch dựa trên mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Chính phủ với các tổ chức cộng đồng. Các tổ chức và nhóm cộng đồng này hiểu rõ và có thể tiếp cận các nhóm đích, là hạt nhân trong việc tìm kiếm các ca nhiễm mới và kết nối họ với các dịch vụ điều trị.

Việt Nam cũng đi đầu trong việc đạt được ức chế tải lượng vi-rút hơn 93%. Đây là một kết quả tuyệt vời, bởi nếu người bệnh đạt được ngưỡng ức chế tải lượng vi-rút thì khả năng lây nhiễm vi-rút ra cộng đồng là bằng không.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt được bao phủ y tế toàn dân vào năm 2020; huy động nguồn lực trong nước và giảm phụ thuộc vào nguồn tài trợ nước ngoài cho công tác phòng phòng chống HIV; sử dụng BHYT như là cơ chế tài chính bền vững cho điều trị thuốc kháng vi-rút ở Việt Nam.

Trên thế giới rất ít các quốc gia sử dụng BHYT để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV, mà phần lớn là dùng tiền thuế để trợ cấp miễn phí điều trị cho bệnh nhân HIV. Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình do PEPFAR (Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp) hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân. Có được điều này là nhờ có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với chăm sóc y tế nói chung và HIV nói riêng.

Tính đến thời điểm này, Chính phủ Việt Nam đã đạt được các kết quả rất khả quan: Số bệnh nhân HIV tham gia BHYT tăng từ 40% trong năm 2014 lên 89% năm 2018, tăng hơn gấp đôi trong khoảng 4-5 năm trở lại đây. Đến tháng 1/2019, BHYT bắt đầu được sử dụng để chi trả cho khoảng 48.000 bệnh nhân HIV với chi phí dành cho thuốc ARV từ nguồn BHYT là khoảng 6 triệu USD. Trong thời gian 2-3 năm tới, BHYT sẽ là nguồn lực chính chi trả các chi phí điều trị cho toàn bộ bệnh nhân HIV có tham gia BHYT.

"Việt Nam là nước dẫn đầu trong công tác này và là mô hình cho các quốc gia khác học tập. Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ hợp tác và đồng hành với Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai và hiện thực hóa việc thanh toán các dịch vụ điều trị HIV thông qua BHYT".- Bà Ritu Singh nhấn mạnh.
Đ. KHOA (ghi)