30 năm vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:27, 11/07/2024
Kiểm toán nhà nước ra đời là nhu cầu tự thân của nền kinh tế thị trường
Nội dung phim tài liệu khẳng định: 30 năm là một chặng đường phát triển vượt bậc, từ một tổ chức không có tiền thân, đến nay, KTNN đã trở thành một thiết chế hiến định, từng bước khẳng định vị thế cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
30 năm xây dựng và phát triển với nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức KTNN và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư; sự phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, KTNN đã đi từ không đến có, lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, ngày càng khẳng định vai trò là công cụ quan trọng góp phần vào việc làm lành mạnh, bền vững nền tài chính quốc gia.
Phim tài liệu do VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Báo Kiểm toán, KTNN tổ chức thực hiện trong gần 1 năm. Để có được bộ phim với tư liệu khá phong phú, Đoàn làm phim đã lĩnh hội, tiếp thu tối đa ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo KTNN. Đặc biệt, Đoàn làm phim đã tham khảo ý kiến tư vấn của nhiều cán bộ, công chức, kiểm toán viên có kinh nghiệm thực tiễn, gắn bó với KTNN ngay từ những ngày đầu thành lập để xây dựng và hoàn thiện kịch bản. Được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị trong và ngoài Ngành, Đoàn làm phim đã tổ chức thực hiện phỏng vấn, ghi hình ở nhiều nơi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Giang…
Với nội dung chủ đạo đó, Phim tài liệu được thiết kế gồm 3 phần. Cụ thể, trong Phần I, Phim tài liệu đã tái hiện lịch sử ra đời của KTNN. Theo đó. từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải quản lý kinh tế, tài chính chặt chẽ, hiệu quả và minh bạch hơn, phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hơn. KTNN ra đời là một đòi hỏi tất yếu, là nhu cầu tự thân của nền kinh tế thị trường.
Ngày 11/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/CP về việc thành lập KTNN. Đây là căn cứ pháp lý đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của KTNN.
Phim thực sự gây xúc động với người xem khi gợi lại bối cảnh của những ngày đầu thành lập KTNN từ những con số không: Không có tiền lệ trong tổ chức bộ máy, không có cơ sở vật chất, không có nguồn nhân lực.
Khởi đầu thành lập, KTNN không có gì ngoài lòng quyết tâm của các thế hệ cán bộ thời đó và sự ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương.
Tạo dựng và trưởng thành
Trong Phần II: Tạo dựng và trưởng thành, Phim tài liệu đã nêu bật ba trụ cột phát triển quan trọng của KTNN trong 30 năm qua.
Trụ cột thứ nhất là tạo dựng khuôn khổ pháp lý và triết lý kiểm toán công. Theo đó, Phim tài liệu đã giúp người xem ngược dòng thời gian, trở về quá khứ, ôn lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình tạo dựng khuôn khổ pháp lý của KTNN như: Năm 2005, lần đầu tiên, Luật KTN đã được Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp lần thứ 7, làm thay đổi cơ bản vị trí pháp lý và vị thế của KTNN, đánh dấu sự trưởng thành trong bước đường phát triển.
Năm 2013 đánh dấu mốc son lịch sử khi địa vị pháp lý của KTNN được quy định trong Hiến pháp, KTNN từ cơ quan “Luật định” trở thành cơ quan “Hiến định”…
Cùng với việc từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, KTNN cũng xây dựng, ban hành chuẩn mực, quy trình, mẫu biểu hồ sơ và phương pháp chuyên môn nghiệp vụ … để làm cơ sở cho hoạt động kiểm toán.
Trụ cột thứ 2 trong 30 năm xây dựng và phát triển là tổ chức bộ máy của KTNN có nhiều bước phát triển khá toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Thời điểm bắt đầu, KTNN chỉ có 5 đơn vị , đến nay, KTNN đã có 32 đơn vị cấp vụ và tương đương.
Khi mới thành lập, biên chế của KTNN chỉ có 60 người; đến nay sau 30 năm, KTNN đã có 2.067 công chức, viên chức, người lao động trong đó: 1.803 công chức, 67 viên chức và 197 hợp đồng lao động. Trong tổng số công chức, ngạch kiểm toán viên nhà nước chiếm 80,9%.
Chất lượng cũng là dấu ấn khi toàn Ngành có 50 tiến sỹ, 1.103 thạc sỹ, 100% kiểm toán viên nhà nước có trình độ đại học trở lên được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế.
Phim tài liệu cũng cho thấy, lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ thường xuyên quan tâm tới công tác đào tạo, xây dựng chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế; việc trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các cơ quan kiểm toán tối cao.
Từ lớp cán bộ đầu tiên được gấp rút tuyển dụng, KTNN dần kiện toàn bộ máy, đào tạo con người tinh thông nghiệp vụ và chuẩn mực đạo đức.
Song song với sự phát triển vượt bậc của tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, Đảng bộ KTNN đã lớn mạnh không ngừng. Các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh KTNN… đã từng bước được xây dựng, phát triển từ rất sớm và ghi được nhiều dấu ấn
Phim tài liệu cũng nêu bật: Công nghệ thông tin (CNTT) là trụ cột quan trọng thứ ba trên bước đường phát triển. Ngay khi mới thành lập, KTNN đã tổ chức nghiên cứu để ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán và coi đây là nền tảng quan trọng trong việc phát triển hoạt động kiểm toán một cách đúng hướng và hiệu quả.
Đến nay, KTNN đã xây dựng và triển khai 32 phần mềm ứng dụng; chú trọng phát triển và kết nối hệ thống thông tin, dữ liệu để phục vụ kiểm toán một cách hiệu quả nhất.
Ứng dụng CNTT cũng giúp KTNN không chỉ theo dõi việc thực hiện kiểm toán của kiểm toán viên mà còn đảm bảo cho hoạt động kiểm toán một cách thông suốt, hiệu quả, minh bạch.
Một nội dung quan trọng được Phim tài liệu nhấn mạnh, đó là: Trải qua 3 thập kỷ, KTNN đã luôn đề cao trách nhiệm phụng sự sứ mệnh vì nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững.
Thông qua các đồ họa, Phim tài liệu làm nổi bật các con số đáng ghi nhận: Từ khi thành lập đến nay, KTNN đã thực hiện trên 3.600 cuộc kiểm toán; phát hiện và kiến nghị hơn 740 nghìn tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ trên 2.200 văn bản có nội dung chồng chéo, không phù hợp với quy định hoặc không phù hợp với thực tiễn, từ đó góp phần bịt “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, giảm nguy cơ thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính quốc gia.
Từ năm 2011 đến nay, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý.
Đặc biệt, năm 2023, KTNN đã thực hiện kiểm toán 2 vụ việc và báo cáo kết quả kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, trong 5 năm gần nhất, KTNN cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Trong Phim tài liệu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã phát biểu, ghi nhận những thành tựu, đóng góp của KTNN. Phim cũng cho thấy những dấu ấn lãnh đạo đáng nhớ của 8 Tổng Kiểm toán nhà nước kể từ khi KTNN được thành lập đến nay.
30 năm qua là cả quá trình tạo dựng giá trị và niềm tin của KTNN. Giá trị ấy được tạo dựng từ nỗ lực không ngừng của các thế hệ KTNN. Niềm tin ấy chính là sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Ngoài ra, Phim tài liệu còn gợi lại những dấu mốc gia nhập các tổ chức cơ quan kiểm toán tối cao khu vực và quốc tế của KTNN Việt Nam. Theo thời gian, KTNN Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và thiết lập mối quan hệ vững chắc, sâu rộng với nhiều cơ quan kiểm toán tối cao để tiếp thu kinh nghiệm, thông lệ kiểm toán tốt nhất, qua đó góp phần hoàn thành sứ mệnh được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Hướng tới tương lai
Phần thứ ba của Phim tài liệu điểm lại những dấu ấn nổi bật của KTNN trong giai đoạn hiện nay như: Lần đầu tiên, cơ quan của Quốc hội đã tổ chức giám sát và chất vấn về việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán hay lần đầu tiên, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Phim cũng nêu lên những định hướng trong tương lai, thể hiện qua phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Theo đó, tiếp nối truyền thống 30 năm đầy tự hào, KTNN đặt ra mục tiêu phát triển, xứng đáng là cơ quan kiểm toán uy tín, trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiểm soát quyền lực, là cơ quan kiểm toán có uy tín, trách nhiệm trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới.
KTNN sẽ tiếp tục thực hiện tốt 3 trụ cột quan trọng trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, đó là: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của KTNN, đặc biệt là hoạt động kiểm toán./.