Lần đầu công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Nông nghiệp Công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 15:58, 11/07/2024
Từ năm 2012, Vietnam Report đã tiến hành nghiên cứu và công bố nhiều bảng xếp hạng doanh nghiệp uy tín trong các ngành kinh tế trọng điểm. Năm 2024, lần đầu tiên Vietnam Report mở rộng nghiên cứu thêm ngành Nông nghiệp Công nghệ cao nhằm ghi nhận và tôn vinh những hạt nhân tạo sự đột phá trong cuộc cách mạng công nghệ cao của ngành Nông nghiệp quốc gia.
Top 10 Công ty uy tín ngành Nông nghiệp Công nghệ cao được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các doanh nghiệp được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về doanh nghiệp trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật đến tháng 07/2024.
Ông Phùng Hoàng Cơ - Phó Chủ tịch HĐQT Vietnam Report
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất của nước ta, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự ổn định và phát triển của đất nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có nhiều điểm sáng, là yếu tố quan trọng tạo ra tăng trưởng 3,38% của toàn ngành và khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế.
Định hướng đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nền nông nghiệp trong nước còn khá nhiều vấn đề bất cập, điển hình là phương thức quảng canh, quản trị theo hình thái tiểu nông nên rủi ro cao và hiệu quả thấp, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa còn thấp, tiêu tốn nhiều nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới hóa thấp, sức cạnh tranh thấp; thậm chí, ở một số lĩnh vực, đi sau so với thế giới khá xa.
Để ngành nông nghiệp của Việt Nam có thể “cất cánh” và bắt kịp với thế giới, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy, chuyển đổi phương thức truyền thống sang các phương thức hiện đại, nói cách khác, cần phải thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Vũ Đăng Vinh - Tổng Giám đốc Vietnam Report cho biết, số liệu khảo sát mới nhất cho thấy, gần 90% số doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nông nghiệp công nghệ cao tham gia khảo sát tính đến tháng 7/2024 cho rằng nông nghiệp công nghệ cao giúp tăng năng suất cây trồng và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên như nước, phân bón…
Khoảng 78% cho biết nông nghiệp công nghệ cao giúp họ quản lý sâu bệnh tốt hơn và giảm chi phí lao động. Trong khi đó, 67% nhận thấy rõ những tác động của nông nghiệp tới môi trường đã giảm rõ rệt và 56% ghi nhận chất lượng cây trồng cải thiện đáng kể.
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chính là giải pháp quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả trong tương lai
Các chuyên gia tham gia khảo sát nhận định, trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho dân số toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và tác động tiêu cực đến môi trường.
Ngoài ra, nông nghiệp công nghệ cao còn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế, mở rộng cơ hội xuất khẩu. Nông nghiệp công nghệ cao còn tạo ra nhiều việc làm mới và thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Liên quan đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát biểu tại "Diễn đàn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp" vừa diễn ra chiều 10/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Thủ tướng đã chỉ đạo phải phát triển khoa học công nghệ, không có khoa học công nghệ là chúng ta tự mắc vào bẫy “tự bằng lòng”. Phải nghĩ còn làm được tốt hơn không, làm mới hơn không và cái mới hôm nay, vài ba năm nữa lại phải cải tiến tiếp.../.