Khi ngân hàng được mua với giá 0 đồng
Đối nội - Ngày đăng : 10:45, 07/01/2016
(BKTO) - TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia Kinh tế
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Năm 2015 là năm Việt Nam thu được nhiều thành công vuột trội so với 4 năm qua, nhất là về tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, nợ xấu và phát triển kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế… Tuy nhiên, năm 2015 cũng là năm có nhiều hiện tượng “lần đầu tiên” và khá “lạ lẫm” đang nhận được cả sự đồng tình lẫn ý kiến quan ngại, mà tiêu biểu là chính sách mua lại NHTM với giá 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong năm 2015, liên tiếp chỉ trong vòng 3 tháng, lần đầu tiên NHNN đã mua lại 3 NHTM với giá 0 đồng. Đó là Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNBC) được mua lại ngày 5/3/2015, Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) được mua lại ngày 25/4/2015 và Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) được mua lại ngày 7/7/2015.
Sau 4 năm thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015” của NHNN, đến nay số lượng NHTM của Việt Nam đã giảm 17 tổ chức, hệ thống NHTM đã bước đầu được củng cố và lành mạnh hơn. Việc mua lại NHTM làm thay đổi cơ cấu sở hữu, quyền kiểm soát, điều hành, năng lực tài chính và quy mô kinh doanh, từ đó góp phần mở ra những cơ hội kinh doanh mới, tăng cường vị thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Các NHTM bị mua lại không chỉ có thêm cơ hội vượt qua nguy cơ phải tuyên bố phá sản mà còn có cơ hội mở rộng quy mô, thị phần, mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, cải thiện năng lực tài chính, chi phí kinh doanh và khả năng cạnh tranh. Ở Việt Nam, trong bối cảnh thị trường tài chính có độ nhạy cảm cao và mức chi trả bảo hiểm tiền gửi NHTM thấp (không quá 50 triệu đồng/người) như hiện nay, việc NHNN mua lại 3 NHTM trên với giá 0 đồng là cần thiết để giữ ổn định vĩ mô cũng như bảo vệ người tiêu dùng. Cái được lớn nhất và vô giá của giải pháp “cực chẳng đã” này là giữ được sự ổn định vĩ mô, không có sự hoảng loạn tâm lý đám đông nguy hiểm và làn sóng rút tiền hàng loạt dễ gây đổ vỡ toàn hệ thống thống NHTM với những hệ lụy khó lường khác…
Việc NHNN mua lại các NHTM với giá 0 đồng có vẻ ngoài như một hoạt động “quốc hữu hóa” mà một số nước phát triển từng dùng đối với một số công ty tư nhân yếu kém, nhưng không muốn sự đổ vỡ của nó gây hệ lụy tiêu cực lan tỏa cho nền kinh tế vĩ mô theo kiểu đô-mi-nô… Tuy nhiên, nếu kéo dài và lạm dụng giải pháp này dễ gây tâm lý ỷ lại nguy hại cho quản lý từng ngân hàng và cả hệ thống NHTM trong tương lai; đồng thời, dễ gây áp lực tăng nợ công trong thời gian tới nếu không đòi được nợ cũ và cải thiện được hoạt động kinh doanh của các NHTM bị mua lại này. Nói cách khác, nguy cơ “biến nợ tư thành nợ công” sẽ ngày càng đậm dần, tạo áp lực phá vỡ trần nợ công đã được Quốc hội thông qua, gây đe dọa ổn định tài chính vĩ mô tương lai của đất nước…
Như vậy, mua lại NHTM với giá 0 đồng là cần thiết, nhưng không thể áp dụng đại trà và như một biện pháp kéo dài trong tương lai vì dễ gây lạm dụng, tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi tình trạng pháp lý và tài sản của NHTM bị mua lại, nhất là các khoản nợ xấu. Nếu chuẩn bị không kỹ và quản lý hoạt động của NHTM sau mua lại không tốt sẽ có thể tái tạo làn sóng rút tiền dẫn đến mất kiểm soát, đổ vỡ lòng tin thị trường, bị cá nhân hoặc nhóm lợi ích lợi dụng “đục nước béo cò”, đầu cơ, tham nhũng gây thất thoát tài sản công và phát sinh các tiêu cực khác…