Hãng phim Nhà nước sau cổ phần hóa: Liệu có “bình mới rượu cũ”?
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:10, 05/05/2016
(BKTO) - Nhữngngày gần đây, công chúng yêu điện ảnh đặc biệt quan tâm đến việc cổ phần hóa(CPH) và chuyển Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) thành Công ty cổ phần, do Tổngcông ty Vận tải thủy - một đơn vị “ngoại đạo” trong lĩnh vực điện ảnh là nhà đầutư chiến lược. Nhiều ý kiến băn khoăn, CPH theo hướng này liệu có tạo được “cúhích” để phát triển điện ảnh, hay vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”?
Những năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh của VFS liên tục thua lỗ, Ảnh: NGUYỄN VŨ
VFS vừa chính thức công bố CPH và bán cổ phiếu sau hơn 20 năm thua lỗ. Đây là hãng phim Nhà nước thứ hai thực hiện chủ trương này, dù kế hoạch CPH đã được lập ra cách đây 10 năm. Theo phương án CPH, VFS sẽ bán ra 3,25 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược đã được chọn là Tổng công ty Vận tải thủy với giá 32,5 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 60 năm ra đời và phát triển (VFS được thành lập năm 1953), tới đây phương thức hoạt động của đơn vị này sẽ có những thay đổi đáng kể.
Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh của VFS liên tục thua lỗ. Việc tìm kiếm nguồn kinh phí để thực hiện các dự án phim còn hạn chế và chủ yếu đến từ đơn đặt hàng của Nhà nước. Sau CPH, VFS dự kiến ngoài phim truyện và nghệ thuật sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh khác như kinh doanh nhà hàng, xuất khẩu hàng hóa...
Tuy nhiên, nhiều nghệ sỹ đã bày tỏ băn khoăn về khả năng làm phim của đơn vị mới. NSND Minh Châu, họa sỹ Vũ Huy, đạo diễn Nguyễn Đức Việt lo lắng thực sự khi một công ty vận tải thủy hoạt động trong lĩnh vực không liên quan tới phim ảnh mua lại phần lớn cổ phần và giành quyền điều hành VFS. Bản thân đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - Phó Giám đốc VFS cũng có chung nỗi lo ngại, khi ông là người duy nhất trong ban lãnh đạo phản đối việc bán cổ phần cho một đơn vị “ngoại đạo” như Tổng công ty Vận tải thủy. “Cổ đông lớn nhất liệu có coi sản xuất phim là mục tiêu chính hay không, hiện thời điểm này còn quá sớm để khẳng định” - ông Vân cho biết.
Theo thông tin từ VFS, nhà đầu tư chiến lược đã cam kết và đưa vào Điều lệ hoạt động của Công ty cổ phần là vẫn tiếp tục phát triển kinh doanh điện ảnh, sử dụng một phần vốn tối thiểu (bằng 20%) vốn đầu tư của chủ sở hữu công ty cổ phần và cam kết khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất do công ty hiện đang quản lý, sử dụng cho lĩnh vực sản xuất phim.Thông tin với báo chí, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) khẳng định quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần của VFS khi CPH được thực hiện theo đúng quy định về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Do đó, đại diện Bộ này bác bỏ nghi vấn tiêu cực trong việc lựa chọn nhà đầu tư như một số thông tin phản ánh.
Có tạo nên “cú hích” đổi mới?
Việc CPH các DNNN là chủ trương của Chính phủ nhằm thực hiện tái cơ cấu các đơn vị này. Các DNNN do Bộ VH-TT&DL quản lý cũng không thể nằm ngoài chủ trương đó. Có tất cả 5 hãng phim Nhà nước nằm trong lộ trình CPH: Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim truyện 1, Hãng Phim Tài liệu & Khoa học T.Ư, Hãng Phim Giải phóng, Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam. Đến nay, các hãng sản xuất phim trực thuộc Bộ đã tiến hành CPH trong giai đoạn này là Hãng phim Giải phóng và Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Riêng đối với Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư do có tính đặc thù là thực hiện nhiệm vụ chính trị nên được Thủ tướng Chính phủ cho phép giữ nguyên là Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước.
Hãng Phim truyện 1 là đơn vị đầu tiên tiến hành CPH từ năm 2009, tuy nhiên, tới giờ, hãng này vẫn phải sống nhờ các đơn đặt hàng nhỏ giọt của Nhà nước. Dù vậy, từ năm 2014 tới nay, hãng chỉ sản xuất 2 phim truyện điện ảnh do Cục Điện ảnh đặt hàng, sản xuất 1 phim truyền hình cho Đài Truyền hình Việt Nam. Nhiều nhà làm phim cho rằng, kể từ sau thời điểm CPH năm 2009, dường như Hãng Phim truyện 1 đã không còn thương hiệu nữa...
Trở lại với câu chuyện CPH của VFS, nhiều ý kiến băn khoăn dù trong điều khoản hợp đồng, Tổng công ty Vận tải thủy cam kết sẽ làm phim nhưng làm sao giám sát việc làm phim của họ? Nếu có làm phim, liệu đơn vị có cam kết nâng cao chất lượng phim? Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ VH-TT&DL, ông Phan Đình Tân cho biết, theo quy định của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Công ty cổ phần trong đó có nhà đầu tư chiến lược phải tuân thủ phương án CPH do Bộ VH-TT&DL phê duyệt. Những cam kết của nhà đầu tư chiến lược sẽ được đưa vào Điều lệ Công ty cổ phần. Tuy nhiên, về việc đổi mới như vậy, liệu có nâng cao được chất lượng làm phim hay không, ông Tân cũng thừa nhận Bộ chỉ “đôn đốc và giám sát chặt chẽ” chứ không thể đưa ra cam kết với mục tiêu này.
CPH hãng phim từ lâu đã được công chúng quan tâm đến điện ảnh kỳ vọng sẽ tạo nên “cú hích” để điện ảnh Nhà nước có cơ hội đổi mới mình, thoát khỏi tư duy làm phim bao cấp, cũ kỹ, sáo mòn. Tuy nhiên, chưa nói đến việc đơn vị tiếp quản VFS hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh, ngay cả bài học từ một số hãng phim đã CPH cho thấy, chất lượng phim cũng chưa có sự chuyển biến đáng kể. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, sự đổi mới trước hết cần phải đến từ chính tư duy của người làm phim, chứ không chỉ là đợi tác động từ bên ngoài.
NGUYỄN LỘC