Đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của tín dụng chính sách xã hội trong điều kiện cụ thể của Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 20:40, 11/07/2024

(BKTO) - Việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
vna_potal_ha_noi_huyen_phu_xuyen_phat_huy_vai_tro_cua_hoi_doan_the_trong_nang_cao_hieu_qua_nguon_von_tin_dung_chinh_sach_stand.jpg
Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù và bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: TTXVN

Đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đến nay, Thành phố Hà Nội đang quản lý và triển khai thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số cho vay 10 năm giai đoạn 2015 đến 30/4/2024 là 38.759 tỷ đồng với hơn 1 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.

Doanh số thu nợ đạt 28.078 tỷ đồng. Tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng đến 30/4/2024 đạt 15.397 tỷ đồng với 272.412 khách hàng đang vay vốn (tăng 10.676 tỷ đồng so với đầu năm 2014).

Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù và bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội. Hiện nay, Thành phố đang chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố và các sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu UBND Thành phố báo cáo, trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết về đối tượng vay vốn đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội.

Đồng thời, tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 04/8/2017.

Cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, hàng năm, HĐND và các cấp Thành phố đã quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng chính sách để bổ sung nguồn vốn vay để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo, đối tượng chính sách.

Cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, hàng năm, HĐND, UBND các cấp đã quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố đạt 15.452 tỷ đồng, tăng 10.715 tỷ đồng (226%) so với năm 2014.

Thành phố cũng đã quan tâm chỉ đạo kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội các cấp. Chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố triển khai thực hiện tốt công tác hiện đại hóa tin học, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Mở rộng đối tượng vay vốn ngân hàng chính sách xã hội

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố.

Thành phố Hà Nội luôn quan tâm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù của Hà Nội và bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện. Qua đó, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động, tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị để góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của cơ sở và người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách.

Đồng thời, Mặt trận tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. UBND Thành phố trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách hằng năm, nghiên cứu chuyển một phần ngân sách sang Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố cho người dân vay vốn.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và trong từng giai đoạn. Đồng thời, tiếp tục quan tâm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.

Đối với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù. Đề xuất từng bước mở rộng đối tượng vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động gắn với đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cho thấy, Chỉ thị thực sự đã đi vào cuộc sống với nhiều kết quả nổi bật. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Thành phố tiếp tục công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng về tín dụng chính sách xã hội, nhất là thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với Thành phố trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Thành phố thông qua việc tiếp tục nâng cao lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền. Nâng cao trách nhiệm Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội nhằm đảm bảo tính hiệu quả, bền vững của tín dụng chính sách xã hội trong điều kiện cụ thể của Thành phố, đặc biệt là để thu hút nguồn vốn, chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn…/.

THÙY LÊ