Đề xuất thay đổi phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 14:04, 18/07/2024
Vướng mắc trong đầu tư vốn ở doanh nghiệp nhà nước
Theo các DNNN và các chuyên gia, hoạt động đầu tư vốn tại DNNN đang gặp vướng mắc như: Việc đầu tư vốn (bổ sung và rút vốn) nhà nước tại DN chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt. Quá trình, quy trình đầu tư trực tiếp vốn từ ngân sách nhà nước vào DN cũng gặp khó khăn. Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong Dự thảo Luật là đối tượng áp dụng. Luật số 69 đang quy định Nhà nước quản lý theo pháp nhân DN, không quy định đối tượng áp dụng là DN có vốn đầu tư của Nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Điều này dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào quá trình hoạt động của DN...
Từ một số vướng mắc này, Bộ Tài chính đề xuất xác định đối tượng điều chỉnh tại Dự thảo Luật là: DN có vốn nhà nước đầu tư, gồm: DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “DN có vốn nhà nước đầu tư khác là DN có vốn đầu tư của DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” thay cho quy định về đối tượng “DN có vốn nhà nước đầu tư khác là DN có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ” nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, Nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong DN…
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN (Luật 69) sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi. Theo dự kiến, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại DN (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 670 DN có vốn Nhà nước từ 50% trở lên. Các DN này có tổng tài sản gần 3,8 triệu tỷ đồng, giá trị vốn Nhà nước đầu tư đạt 1,71 triệu tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết thêm, theo Dự thảo, Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân DN mà chỉ là chủ sở hữu vốn, quản lý dòng vốn theo phần vốn đầu tư và không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Để tách bạch, nội dung Dự Luật phân định rõ chức năng chủ sở vốn với chức năng quản lý nhà nước, phân công rõ, phân cấp mạnh trong đầu tư vốn nhà nước tại DN. Nhà nước, Chính phủ chỉ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại DN có vốn nhà nước đầu tư khác.
Quản lý dòng vốn đầu tư, không quản lý theo pháp nhân
Từ góc độ chuyên gia, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, cách tiếp cận, tinh thần sửa Luật có rất nhiều điểm tích cực. Điểm mới đầu tiên là làm rõ vai trò của Nhà nước là một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong thị trường cạnh tranh, hội nhập. Nhà nước không còn quản lý, can thiệp trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh của DN - nghĩa là Nhà nước quản lý DN theo dòng vốn đầu tư, không quản lý theo pháp nhân. Hơn thế nữa, Dự thảo đã tăng tính minh bạch, quyền hạn, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN. Mặt khác, dự thảo Luật thể hiện sự linh hoạt, thích ứng với thị trường, trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi lại vốn nhà nước. Điểm mới nữa trong cách tiếp cận là cố gắng xử lý các “ách tắc” hiện nay của DN như vấn đề quản trị, quản lý DN F1, F2 - công ty con của DN, đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nội dung chính sách của dự thảo Luật 69 sửa đổi đã thể hiện tư duy thị trường, xác định Nhà nước là một chủ đầu tư vốn trong DN giống như các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên xem xét nguyên tắc quản trị, công khai, minh bạch theo chuẩn đối với DN niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đại diện cơ quan quản lý vốn nhà nước tại DN, bà Vũ Thị Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và Kiểm soát nội bộ (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN) - cho rằng, Dự thảo Luật 69 sửa đổi đã theo hướng, cơ quan chức năng chuyển từ quản lý DN sang quản lý theo dòng vốn. Tuy nhiên, DNNN có nhiều loại, với nhiều mức vốn khác nhau do Nhà nước góp. Hiện nay, DNNN có 51% vốn nhà nước góp trở lên mới có thể chi phối; những DNNN có tỷ lệ vốn góp dưới 51% sẽ quản lý dòng vốn như thế nào? Vì vậy, cần quy định cụ thể về quản lý dòng vốn.
Là một trong những DNNN chịu tác động trực tiếp của chính sách, ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - nhận định: Dự thảo Luật với các quan điểm, nguyên tắc khá đổi mới khi xác định Nhà nước không quản lý pháp nhân DN mà chỉ quản lý theo dòng vốn, vốn nhà nước đầu tư vào DN là tài sản pháp nhân của DN, tách bạch cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan giám sát chủ sở hữu… Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Mậu cũng cho rằng, cần làm rõ khái niệm về vốn nhà nước tại DN cũng như việc quản lý DN F1, F2.
Dự thảo Luật định hướng nguyên tắc Nhà nước xác định là một nhà đầu tư vốn tại DN, không can thiệp vào hoạt động và quản trị của DN. Tuy nhiên, theo các DN, nếu quản lý theo dòng vốn theo nguyên tắc vốn đầu tư đến đâu, quản lý đến đó thì Nhà nước có thể mở rộng đối tượng quản lý đến cấp F2, F3…. Một số DN cũng cho rằng, ở một số tập đoàn, tổng công ty có DN F2 rất lớn, có tác động nhiều đến nền kinh tế. Do đó, việc phân cấp cho DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp quản lý các DN từ cấp F2 cần tiếp tục thảo luận để quản lý dòng vốn nhà nước hiệu quả và vẫn đảm bảo tính chủ động của các DN.
Để làm rõ những băn khoăn này của DN, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh cho biết, đối tượng điều chỉnh tại Dự thảo gồm các DN F1 và DN khác nhằm quản lý theo dòng tiền. Cùng với đó là sự phân cấp, phân quyền, không phải toàn bộ các DN F2 phải được quản lý như DN F1. Quy định này nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, Nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong DN, đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo điều kiện cho DN chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không thêm cấp quản lý hay hạn chế quyền của DN./.