Yếu tố then chốt trong thực hiện kinh tế tuần hoàn
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:08, 18/07/2024
Cần thiết triển khai các công cụ, chỉ số đo lường
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, việc áp dụng các công cụ, chỉ tiêu đo lường, đánh giá thực hiện KTTH đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia tiên phong thúc đẩy phát triển KTTH như Đức, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… Điển hình, năm 2012, Cộng hòa Liên bang Đức đã ban hành Luật KTTH thay thế cho Luật Quản lý chất thải và Chu trình khép kín. Luật KTTH đã phát triển một hệ thống kế hoạch hoàn chỉnh, thiết lập mục tiêu thực hiện KTTH theo lộ trình rõ ràng, gắn liền với đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội cụ thể của từng bang. Cục Thống kê Liên bang cũng đã xây dựng các chỉ số khác nhau cho KTTH như hiệu suất sử dụng nguyên liệu thô, tiêu thụ nguyên liệu thô, khối lượng chất thải và tái chế.
Tại Trung Quốc, hệ thống Chỉ số Đánh giá về Phát triển KTTH được ban hành lần đầu tiên vào năm 2007, sửa đổi năm 2017, bao gồm các chỉ tiêu toàn diện như năng suất tài nguyên chính, tỷ lệ tái chế tài nguyên thứ cấp tương ứng với một loạt các chỉ tiêu cụ thể. Còn tại Nhật Bản, nước này đã phát triển bộ chỉ số KTTH gồm 4 chỉ số chính cùng với hơn 40 chỉ số phụ và các chỉ số bổ trợ được nêu trong Kế hoạch lần thứ tư về Thiết lập xã hội tuần hoàn vật chất, nhằm theo dõi tiến trình triển khai KTTH cấp quốc gia. Các chỉ số này được xây dựng dựa trên mô hình dòng vật chất để đánh giá tiến trình tuần hoàn dòng vật chất của nền kinh tế theo các phạm vi, cấp độ khác nhau. Ngoài ra, theo ông Thọ, còn rất nhiều bộ công cụ, chỉ số hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá mức độ sẵn sàng, thực hiện các hành động cụ thể, kiểm tra mức độ tuần hoàn mà sản phẩm/dịch vụ đạt được trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH như sáng kiến về công cụ Circular Transition Indicators của Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới vì sự Phát triển Bền vững (WBCSD).
KTTH biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. KTTH góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường; giúp các quốc gia tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm.
Với Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho hay, kể từ năm 2020, khái niệm KTTH đã được Chính phủ quy định tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đồng thời, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện KTTH. Theo đó, việc xây dựng khung giám sát, các chỉ số đo lường có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện KTTH trên phạm vi cả nước; là cơ sở để các Bộ, ngành và địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện KTTH phù hợp chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và địa bàn quản lý được giao.
“Căn cứ pháp lý và yêu cầu thực tiễn cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng và triển khai các công cụ, chỉ số nhằm theo dõi, đánh giá quá trình, tiến độ và hiệu quả của các hoạt động áp dụng KTTH đáp ứng các mục tiêu về giảm khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; đồng thời kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường” - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ chỉ rõ.
Về vấn đề này, Giám đốc Viện Hợp tác quốc tế, Quỹ Hanns Seidel - bà Susane Luther - nhấn mạnh, Đức và châu Âu từ lâu đã công nhận nền KTTH chính là động lực của sự đổi mới và cân bằng tăng trưởng kinh tế. Do đó, Quỹ đã được Quốc hội Đức ủy nhiệm tạo cơ hội hành động theo cách độc lập trong các hoạt động Quốc tế liên quan đến KTTH. Bà Susane Luther tin rằng, điều quan trọng cần thực hiện ngay để thúc đẩy KTTH là đầu tư, phát triển các dự án kinh tế, kinh doanh. Đơn cử, thành phố Munich có nền tảng thiết lập phối hợp và thành lập khu vực văn phòng điều phối trong nền KTTH.
Lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược phát triển quốc gia, ngành
TS. Lại Văn Mạnh - Trưởng Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - cho hay, thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, nghị định nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí về KTTH theo hướng chú trọng khía cạnh kinh tế, gia tăng lợi ích kinh tế từ mô hình KTTH, phát triển bền vững.
Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng tiêu chí chung của KTTH được quy định tại Khoản 1 Điều 138 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, hướng đến tập trung sử dụng tài nguyên hiệu quả, kéo dài vòng đời sản phẩm và hạn chế phát sinh chất thải dựa theo các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, khai thác khoáng sản, năng lượng, giao thông vận tải… Trong đó, cần xét đến các cấp độ và nhu cầu đo lường đánh giá chỉ số của KTTH, bao gồm: Cấp mô, cấp vi mô, cấp sản phẩm… thông qua các chỉ tiêu về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm và phát triển năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, việc xây dựng các chỉ số KTTH hiện tại vẫn còn gặp nhiều vướng mắc do thiếu hệ thống pháp lý cụ thể, cùng với việc thu thập quản lý, đo lường dữ liệu đánh giá các chỉ số KTTH chưa đủ các công cụ đáp ứng và phương pháp chuẩn hóa…
Để thực hiện tiêu chí KTTH tại Việt Nam một cách hiệu quả, TS. Lại Văn Mạnh khuyến nghị: Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến KTTH; phát triển các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các hoạt động về KTTH, đảm bảo tính thống nhất và dễ áp dụng; xây dựng bộ công cụ hỗ trợ và dùng chung; tổ chức các khóa đào tạo cho doanh nghiệp, nhà quản lý và triển khai các chiến dịch truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích và cách thức triển khai KTTH; lồng ghép, tích hợp các nguyên tắc KTTH vào các chiến lược phát triển quốc gia và ngành, đảm bảo tính bền vững và dài hạn.
Bà Hoàng Thị Diệu Linh - Phòng Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam - nhấn mạnh các phương pháp xây dựng lộ trình thực hiện KTTH, trong đó chú trọng việc phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban ngành để đưa ra phương án tăng cường tính tuần hoàn trong chuỗi giá trị thực phẩm và vật liệu xây dựng, tránh sử dụng quá mức lượng carbon trong nhập khẩu lớn hơn trong xuất khẩu. Thêm vào đó, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp can thiệp KTTH hiệu quả và có thể hành động hỗ trợ Chiến lược Quốc gia, cập nhật xuyên suốt các thông tin về chính sách (CC, CE, SEDP) giúp sắp xếp và thu thập dữ liệu được hữu ích, nhằm xây dựng chính sách, duy trì phát triển kinh tế, giảm tác động đến môi trường và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.