Hà Nội: Kiến nghị sửa đổi Luật theo hướng tăng nặng góp phần dẹp nạn hàng lậu
Pháp luật - Ngày đăng : 16:10, 18/07/2024
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp
Ngày 17/7, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tổ chức sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên tất cả các tuyến, lĩnh vực và mặt hàng trọng điểm.
6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã kiểm tra 12.032 vụ, trong đó có 1.911 vụ vi phạm hàng cấm, hàng lậu, 8.659 vụ gian lận thương mại, 866 vụ hàng giả; khởi tố 118 vụ, với 175 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 4.744.330 tỷ đồng.
Với tuyến hàng không, bưu chính: Hàng hóa buôn lậu qua đường hàng không chủ yếu là hàng gọn nhẹ, trị giá cao với các mặt hàng vi phạm đa dạng, nhiều chủng loại bao gồm hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, sản phẩm động vật hoang dã thuộc danh mục Cites và hàng giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua đường hàng không, chuyển phát nhanh ngày càng tinh vi, phức tạp và liên tục thay đổi, phổ biến như: Lợi dụng việc phân luồng kiểm tra khai báo thành các mặt hàng khác để được phân luồng xanh, vàng tránh bị phân luồng đỏ; lợi dụng chính sách nhập khẩu quà tặng, quà biếu, xé nhỏ hàng hóa gửi cho nhiều tên người nhận khác nhau sau đó thu gom lại; khai báo sai thông tin về hàng hóa; khai báo tên hàng là các mặt hàng thông thường khác được phép nhập khẩu; một vận đơn mở nhiều tờ khai, tờ khai phân luồng đỏ thì thực hiện hủy tờ khai; thay đổi thông tin người nhận hàng; từ chối nhận hàng hoặc bỏ hàng nếu lô hàng bị phát hiện là hàng cấm; thành lập những doanh nghiệp “ma” để làm thủ tục hải quan; xé nhỏ hàng hóa loại hình chuyển phát nhanh gửi cho nhiều người nhận để mỗi cá nhân nhận hàng, lượng hàng hóa sẽ có trị giá thấp, khai báo thấp trị giá hàng hóa để không phải khai báo hải quan khi làm thủ tục nhận hàng...
Đặc biệt, hoạt động vận chuyển ma túy qua đường hàng không tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng dưới dạng “quà biếu” qua chuyển phát nhanh hoặc hàng “xách tay”, thông qua việc lợi dụng người làm dịch vụ giao và chuyển hàng, du học sinh, tiếp viên hàng không; trà trộn cất giấu, đóng lẫn ma túy vào trong các hộp, bao bì hàng hóa khác.
Tình trạng kinh doanh hàng hoá nhập lậu, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm vận chuyển, tập kết, giao nhận hàng, các chủ hàng thường ngụy trang, chia nhỏ hàng hóa cất giấu nhiều nơi, nhằm né tránh sự kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Hàng hóa vi phạm thường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, được tiêu thụ mạnh như: thuốc lá, pháo nổ, rượu, quần áo may sẵn, đồ điện tử, sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm các loại.
Đối với mặt hàng thuốc lá, các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ; chào bán, quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội hoặc lợi dụng mô hình chuyển phát hàng hóa để vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá điện tử.
Điển hình, ngày 5/1, phòng PC03, Công an Hà Nội phát hiện đối tượng có hành vi mua thuốc lá xì gà do nước ngoài sản xuất trên facebook để bán lại kiếm lời. Tang vật thu giữ là 7.853 điếu thuốc lá xì gà có khối lượng 77,179 kg.
Ngày 6/5, Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an huyện Hoài Đức kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát hàng hóa tại địa chỉ số 15, ngõ 69 đường Vạn Xuân, Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội phát hiện 18 chiếc máy hút thuốc lá điện tử, 370 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử, 6.300 gói dạng thuốc lá thành phẩm.
Đối với mặt hàng pháo nổ: Các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo nổ không rõ nguồn gốc xuất xứ; sản xuất pháo nổ sau đó rao bán, quảng cáo trên các trang mạng xã hội để bán kiếm lời.
6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa xuất xứ nước ngoài nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một gia tăng. Thậm chí các đối tượng bán hàng livestream trên các trang mạng xã hội facebook, youtube ở một nơi nhưng kho hàng thì được tập kết ở một nơi khác và thường không cố định gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm...
Kiến nghị sửa đổi Luật theo hướng tăng nặng để đủ sức răn đe
Để ngăn chặn hoạt động buôn bán vận chuyển hàng lậu, tại Hội nghị, các đại biểu có chung ý kiến, cần sửa đổi các quy định pháp lý phù hợp thực tế, qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng ngăn chặn hoạt động này.
Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Đỗ Hồng Trung nêu rõ, hiện thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ nhưng trong công tác quản lý bộc lộ nhiều điểm yếu, như việc định danh người bán hàng thông qua thuê bao điện thoại. Thế nhưng, đến thời điểm này, số lượng thuê bao chưa định danh được còn rất lớn, gây khó khăn không nhỏ trong việc ngăn chặn hiện tượng buôn bán hàng lậu qua thương mại điện tử.
“Thực tế chống hàng lậu thời gian qua cho thấy, tại các nhóm buôn bán hàng hóa trên mạng xã hội Facebook, Zalo thì chủ thể kinh doanh tận các tỉnh miền núi, không ở Hà Nội nên khó có thể truy bắt.
Ông Đỗ Hồng Trung đề nghị Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát, sàng lọc thông tin, ràng buộc những giao dịch từ người bán qua đó bảo đảm tốt nhất về chất lượng sản phẩm, quyền lợi cho người tiêu dùng.
Để ngăn chặn hoạt động buôn bán vận chuyển hàng lậu, tại hội nghị các đại biểu có chung ý kiến, cần sửa đổi các quy định pháp lý phù hợp thực tế qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng ngăn chặn hoạt động này. Đại diện Cục Hải quan Hà Nội nêu rõ, quá trình xử lý buôn lậu chủ yếu chỉ xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tội phạm.
Đơn cử, hiện theo quy định, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 10 triệu đến 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3 - 4 lần giá trị thật của hàng hóa. Chính vì thế, Đại diện Cục Hải quan Hà Nội kiến nghị, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) theo hướng tăng nặng đối với những trường hợp buôn bán vân chuyển hàng lậu.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các lực lượng chức năng TP Hà Nội từ nay đến hết năm 2024 tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào thị trường nội địa.
Sở Thông tin truyền thông phối hợp cùng Sở Công Thương, Cục thuế Hà Nội kiểm soát hoạt động thương mại điện tử. Liên quan vấn đề an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở Công Thương nghiên cứu đề xuất cơ chế giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cho các ban quản lý chợ kiểm soát, giám sát chặt chẽ đầu vào hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm với các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đẩy mạnh công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.