Mở rộng không gian tăng trưởng cho nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 05:58, 25/07/2024
Kinh tế đang phục hồi song vẫn còn một số quan ngại
Trải qua nửa đầu năm 2024, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I và quý II có xu hướng tăng lên, từ 5,87% lên 6,93%, tính chung 6 tháng đầu năm đạt 6,42%. Các chỉ tiêu liên quan cũng cơ bản đạt được như: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, đầu tư công, đầu tư của khu vực tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều gia tăng; tiêu dùng trong nước ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng khoảng 8,6% so với cùng kỳ năm trước…
Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 lên mức từ 6,5 - 7%, thay vì mục tiêu từ 6 - 6,5% được đặt ra trước đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm vẫn còn một số điểm quan ngại cần lưu ý. Chỉ rõ những “điểm mờ” này, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, so với cùng kỳ năm trước khi xảy ra đại dịch, 2/3 ngành kinh tế chủ lực có mức tăng trưởng thấp hơn, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành nông nghiệp được ví như “trụ đỡ” của nền kinh tế, song tăng trưởng chậm (khoảng 3,38%). Cùng với đó, các “đầu tàu” kinh tế của cả nước có mức tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững. Hoạt động của cộng đồng DN còn nhiều khó khăn do tốc độ tăng trưởng số DN gia nhập thị trường (5,3%) chậm hơn hẳn tốc độ DN rút lui khỏi thị trường (18,4%). Tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, phản ánh khả năng hấp thụ vốn của DN còn yếu cũng như cho thấy “sức khỏe”, khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh của DN còn nhiều hạn chế.
Một số quan ngại khác cũng được ông Hiển chỉ ra như cầu tiêu dùng nội địa tăng trưởng nhưng vẫn còn yếu và thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Xuất khẩu có cải thiện nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng; đặc biệt, gần đây Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với một số đối tác chiến lược nhưng qua các số liệu thống kê cho thấy tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa sang các khu vực thị trường này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Đặc biệt, một số vấn đề lớn về mặt thể chế, chính sách như: Một số thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà, chồng lấn quy hoạch, vướng mắc trong việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của DN, một số rào cản từ Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, hay một số vấn đề đặt ra khi phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… cũng cần được tháo gỡ.
Nêu thêm vấn đề cũng cần lưu tâm, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng, một câu chuyện cố hữu diễn ra trong nhiều năm đến nay vẫn chưa có những chuyển biến thật sự tích cực, đó là kết nối giữa khu vực DN FDI và DN trong nước vẫn còn rời rạc, hạn chế. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ tạo nên sự mất cân đối trong phát triển giữa hai khu vực DN trong nền kinh tế.
Cần củng cố, phát huy tối đa các động lực tăng trưởng
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, dự báo môi trường kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn những rủi ro, biến động khó lường và có thể ảnh hưởng tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, đòi hỏi cần củng cố, phát huy tối đa các động lực tăng trưởng để mở rộng không gian phát triển cho nền kinh tế.
Trước hết, về đầu tư, Đại sứ Phạm Quang Vinh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - cho rằng, Việt Nam đang ở một vị thế thuận lợi, có thể tranh thủ được những luồng đầu tư trong bối cảnh chuyển dịch đầu tư đang diễn ra. Để tận dụng được những luồng đầu tư này, Việt Nam cần chú ý một số điểm, đó là lựa chọn đối tác thuận lợi nhất cho mình và hướng tới thu hút các dòng vốn nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Song song với đó, Việt Nam cũng cần có những chính sách hiệu quả để chủ động kiểm soát nguy cơ có quá nhiều nhà máy chuyển dịch sang Việt Nam dẫn đến tình trạng sản xuất quá mức, gây nên lo ngại làm thao túng thị trường các quốc gia khác. Đơn cử như gần đây, Indonesia đã áp dụng đánh thuế cao vào một số sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc do lo ngại những mặt hàng này tràn vào thị trường nội địa.
Về thương mại, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương nhấn mạnh đến yêu cầu cần phát huy tiềm năng tăng trưởng từ xuất khẩu. Ông Anh cho biết, Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm cả song phương và đa phương, trong đó 15 FTA đã có hiệu lực. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đã và đang đàm phán 3 FTA, trong đó 1 FTA là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (CEPA) đã hoàn thành đàm phán 99%, dự kiến trong tháng 8 sẽ kết thúc. Như vậy, Việt Nam đã có quan hệ với 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên gần như toàn bộ các châu lục (trừ châu Phi), chiếm tới 90% GDP toàn cầu. Điều này khiến Việt Nam trở thành một mắt xích rất quan trọng trong thương mại toàn cầu. Theo đó, để tận dụng hiệu quả những cơ hội từ hội nhập quốc tế sâu rộng, các DN Việt Nam cần phải nỗ lực đáp ứng các cam kết đặt ra trong các FTA cũng như những tiêu chuẩn, yêu cầu mới của thị trường toàn cầu như các quy định về sản xuất xanh.
Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital - chia sẻ, các nhà đầu tư nước ngoài khi chọn thị trường Việt Nam là điểm đến thì điều mà họ quan tâm nhiều nhất là môi trường kinh doanh. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tạo ra những cải cách đột phá, để nhà đầu tư thực sự thấy Việt Nam là điểm đến lý tưởng và đồng hành cùng nền kinh tế, mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế của Việt Nam./.