Đề nghị tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội mà không cần được ủy quyền
Xã hội - Ngày đăng : 09:41, 28/05/2024
Nghiêm cấm việc chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội
Tham gia thảo luận, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) quan tâm đến Điều 8, khoản 2 quy định hành vi bị nghiêm cấm chiếm dụng tiền hưởng BHXH. Đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm tai nạn để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này.
Theo đại biểu, quy định trong Dự thảo Luật là chưa đầy đủ, vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên giữ nguyên hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 3, Điều 17 Luật BHXH năm 2014, đó là nghiêm cấm chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
“Thực tế hiện nay, tình trạng các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động nhưng vẫn trích từ tiền đóng của người lao động hằng tháng khi trả lương diễn ra phổ biến”- đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nêu.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ sự đồng thuận với ý kiến của một số đại biểu liên quan đến các quy định về hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, phương án xử lý và trách nhiệm của các bên có liên quan.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung các quy định liên quan đến nội dung xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Trong đó, quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan BHXH và sửa đổi, bổ sung quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn với chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động khi tham gia giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ và trốn đóng BHXH, nhằm góp phần tổ chức thực hiện hiệu quả trong tổng thể các luật có liên quan.
Đại biểu chỉ rõ, từ thực tiễn cho thấy, những vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc tham gia ngăn chặn, xử lý các hành vi chậm đóng, nợ và trốn đóng BHXH đã có những quy định về quyền và trách nhiệm tổ chức công đoàn với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Khi tham gia giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ và trốn đóng BHXH của người sử dụng lao động đối với người lao động, công đoàn và các ngành liên quan đã rất cố gắng, đặc biệt là các Liên đoàn lao động các tỉnh và các ngành của tòa án, tư pháp tại địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian dài vừa qua việc xử lý, giải quyết vẫn loay hoay, chưa đạt hiệu quả bởi vướng mắc các luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Lao động, Luật Công đoàn.
Nhấn manh việc xử lý tình trạng nợ BHXH rất khó khăn, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Dự thảo Luật nên cân nhắc quy định việc giao cho tổ chức Công đoàn được quyền khởi kiện mà không cần sự ủy quyền của người lao động.
“Quy định như điểm c khoản 1 Điều 13 Dự thảo Luật về quyền công đoàn khởi kiện nợ BHXH cho người lao động thì phải được người lao động ủy quyền. Tôi thấy việc ủy quyền đó không khác với các tổ chức, cá nhân khác như công ty luật và luật sư” - đại biểu nêu quan điểm.
Quy định trình tự, thủ tục để tổ chức Công đoàn phát huy vai trò
Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cũng đồng tình với quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định pháp luật.
Đại biểu phân tích, vấn đề này đã được quy định trong pháp luật hiện hành, nhưng tổ chức Công đoàn khó phát huy, chưa phát huy được nhiều quyền và nghĩa vụ này, trong khi tình trạng chậm đóng và trốn đóng BHXH còn diễn ra rất phức tạp.
Theo đại biểu đoàn Quảng Nam, các quy trình, thủ tục để tổ chức Công đoàn tiến hành khởi kiện rất khó. Vướng mắc nhất hiện nay là điều kiện cần và đủ để tổ chức Công đoàn đứng ra khởi kiện phải được sự ủy quyền của người lao động; hai là doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng này phải được kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính, đã xử lý vi phạm chính mà tiếp tục vi phạm.
Cho biết thực tế vừa qua, việc khởi kiện của tổ chức Công đoàn trên cả nước rất ít, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị phải tháo gỡ việc này theo hướng quy định trong Luật này các trình tự, thủ tục để tổ chức Công đoàn phát huy được vai trò của mình, đồng thời bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người lao động.
“Tôi đề nghị tổ chức Công đoàn thông qua việc được tham gia giám sát, thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm và có kiến nghị, kết luận về việc người sử dụng lao động cố tình chậm đóng, trốn đóng phải thực hiện kiến nghị đó, phải nộp các khoản tiền chậm đóng. Nhưng thông qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị mà người sử dụng lao động không chấp hành, cố tình chây ỳ, chậm đóng, trốn đóng, lúc đó, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án, không cần thông qua thủ tục thanh tra, kiểm tra và xử lý hành chính” - đại biểu Phan Thái Bình nêu rõ.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc thì cho rằng, để quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn khả thi mà không phải sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự thì Dự thảo Luật cần bổ sung, làm rõ hơn nội dung khởi kiện người có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật, để không vướng quy định có liên quan tại điểm a khoản 1 Điều 179 Luật Lao động năm 2019 và quy định tại khoản 2 Điều 187 Luật Tố tụng dân sự.