Đề xuất cơ chế giải quyết chế độ cho người lao động khi đơn vị không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội
Xã hội - Ngày đăng : 13:57, 16/06/2024
Hơn 200 nghìn người lao động bị nợ đóng BHXH tại các DN phá sản
Theo số liệu của cơ quan BHXH, có khoảng 206.000 NLĐ bị nợ đóng BHXH tại các doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản; đã có quyết định phá sản của Tòa án; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký và không có người đại diện theo pháp luật. Số nợ đóng BHXH này gần như không có khả năng thu hồi.
Cơ quan BHXH đã giải quyết theo hướng ghi nhận thời gian NLĐ được đóng đến đâu hưởng đến đó và không tính thời gian bị nợ. Nếu sau này DN đóng bù số nợ hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì NLĐ tiếp tục được ghi nhận thêm.
Tính đến tháng 6/2023, đã có 30.241 NLĐ được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, BHXH một lần; hơn 34.500 NLĐ đã được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; có 77.627 NLĐ đã được xác nhận quá trình đóng, đang tiếp tục tham gia tại đơn vị mới. Số còn lại nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH thì cơ quan BHXH sẽ tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, qua thảo luận, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc cần phải có quy định về cơ chế đặc thù để phòng ngừa và bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ trong trường hợp người SDLĐ không còn khả năng đóng BHXH. Theo các đại biểu, đây là yêu cầu cấp bách, nhằm giải quyết những trường hợp đặc biệt, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ khi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người tham gia BHXH.
Thống nhất quy định tại Dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) cho rằng, thông qua ghi nhận thời gian tham gia BHXH và tính toán các phương thức giải quyết sẽ giúp NLĐ có điều kiện hưởng các chế độ BHXH trong một số trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, việc xác định các đối tượng đặc thù liên quan đến chính sách, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện hơn, từ đó có văn bản quy định hướng dẫn riêng, không nên đưa trực tiếp vào Luật để vừa đảm bảo chủ động điều chỉnh bổ sung đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời không ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) và đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) bày tỏ băn khoăn khi Dự thảo Luật quy định, đối với những trường hợp NLĐ phải tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng thì NLĐ được chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Các đại biểu đề nghị cần làm rõ, đánh giá kỹ quy định này. “Doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH thì NLĐ đã bị mất một khoản tiền lớn và để được hưởng phải đóng bù vào phần của người SDLĐ chậm đóng, trốn đóng và đóng cả phần của mình đã bị doanh nghiệp trừ lương của họ trước đó để đóng BHXH nhưng không nộp vào quỹ. Nhìn chung, người lao động muốn được hưởng thì phải đóng hơn 40% tiền lương của mình vào” - đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân phân tích và cho rằng, nếu quy định như trên sẽ gây bức xúc cho NLĐ và dư luận xã hội.
Đảm bảo khả thi, hiệu quả, tránh tác dụng ngược
Tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất, Chính phủ đề xuất được quyết định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với NLĐ trong trường hợp người SDLĐ không còn khả năng đóng BHXH cho NLĐ trước ngày 01/7/2024. Nguồn kinh phí thực hiện từ lãi phạt chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ BHXH.
Chính phủ cho biết, đây là quy định mới được bổ sung so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Nội dung chính sách mới này liên quan đến việc ghi nhận thời gian chậm đóng, trốn đóng BHXH của giai đoạn đến trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Quy định nhằm giải quyết chế độ hưu trí và tử tuất, tức giải quyết tồn tại liên quan đến các đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động mà thiếu tiền đóng BHXH gây ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng đây là vấn đề rất phức tạp. Việc đề xuất cơ chế xử lý cần được đánh giá tác động cũng như rà soát, cập nhật số liệu chính xác, cụ thể đối với từng NLĐ về thời gian và số tiền chậm đóng, trốn đóng. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đặc biệt tránh “tác dụng ngược”, tạo tiền lệ xấu cho DN “cố tình” trốn đóng BHXH, Chính phủ đề nghị Luật BHXH (sửa đổi) chỉ quy định nguyên tắc, giao Chính phủ quyết định, nguồn kinh phí thực hiện từ số tiền lãi mà người SDLĐ phải nộp khi vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và đề xuất của Chính phủ, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với NLĐ trong trường hợp người SDLĐ không còn khả năng đóng BHXH cho NLĐ trước ngày 01/7/2024. Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật BHXH số 58/2014/QH13 và số tiền 0,03%/ngày thu được theo quy định tại khoản 1 Điều 40 và khoản 1 Điều 41 của Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người SDLĐ vẫn còn khả năng đóng BHXH cho NLĐ thì thực hiện truy thu, truy đóng vào Quỹ BHXH và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.