Thị trường bất động sản Hà Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển

Địa phương - Ngày đăng : 15:26, 29/07/2024

(BKTO) - Hà Nam là một trong những địa phương có vị trí chiến lược trong vùng đồng bằng sông Hồng, có quỹ đất rộng và hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện… Với những lợi thế đó, Hà Nam được đánh giá là một điểm đến đầu tư tiềm năng cho các nhà đầu tư bất động sản.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Thị trường bất động sản Hà Nam sẵn sàng cho một chu kỳ mới”, bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, về tình hình phát triển kinh tế của Hà Nam, trong nửa đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nam đứng đầu khu vực đồng bằng sông Hồng và xếp thứ tư toàn quốc, cho thấy sự phát triển kinh tế ấn tượng của địa phương.

20240728_160826.jpg
Các chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm “Thị trường bất động sản Hà Nam sẵn sàng cho một chu kỳ mới” do VARS tổ chức chiều 28/7, tại Hà Nam. Ảnh: D.T

Về đầu tư, trong nửa đầu năm, toàn tỉnh thu hút 29 dự án (bằng 223% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh vốn 22 dự án (bằng 200% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh cấp mới 10 dự án với tổng vốn đăng ký 57,2 triệu USD; thực hiện điều chỉnh 14 dự án với vốn đầu tư tăng 280,9 triệu USD. Đối với vốn trong nước, tỉnh cấp mới 19 dự án với tổng vốn đăng ký 2.795 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh 8 dự án với vốn đầu tư tăng 836 tỷ đồng.

Về tình hình thị trường bất động sản, bà Miền cho biết, trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tỉnh Hà Nam có 10 dự án bất động sản mới được hình thành. Trong nửa đầu năm 2024, Hà Nam có 7 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 dự án được cấp phép xây dựng, 3 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Về lượng giao dịch, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận có 6.134 giao dịch với giá trị hơn 3.000 tỷ đồng. Riêng quý II, giao dịch bùng nổ với 4.314 giao dịch, tổng giá trị gần 2.564 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với quý I.

Về giá bán, trong quý I, giá bất động sản duy trì ổn định, đi ngang so với cuối năm 2023. Thị trường chủ yếu là các sản phẩm “cắt lỗ” của các nhà đầu tư Hà Nam do gặp áp lực tài chính, muốn cơ cấu lại danh mục đầu tư sau thời gian dài bị chôn vốn. Bước sang quý II, giá bất động sản ghi nhận tăng nhẹ khoảng 3 - 5% so với quý trước, được thúc đẩy bởi việc xây dựng, hoàn thiện một số dự án hạ tầng, thông tin về việc triển khai dự án quy mô lớn cũng như nhu cầu đầu tư dịch chuyển từ các thị trường khác.

Đáng chú ý, bà Miền cho hay, một số khu vực ghi nhận hiện tượng “sốt nóng” cục bộ, giá tăng trưởng nóng không có cơ sở, cao hơn tới 30% so với cuối năm 2023 do các nhóm đầu cơ tạo thông tin nhiễu loạn, đẩy giá nằm trục lợi. Mặt bằng giá mới này vẫn đang được duy trì dù không có thanh khoản do các nhà đầu tư FOMO (mua vào vì hiệu ứng “Sợ bị bỏ lỡ”) không gặp khó khăn về dòng tiền, không có ý định “cắt lỗ”, chấp nhập bị chôn vốn và chờ sóng tăng.

Đại diện VARS cho biết thêm, giá bất động sản Hà Nam hiện chỉ bằng khoảng 1/3 - 2/3 giá đất tại các địa phương có vị trí và tiềm năng tương đương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.

“Mặt bằng giá bất động sản Hà Nam vẫn ở mức rất cạnh tranh, còn rất nhiều dư địa và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Hơn nữa, Hà Nam là thị trường mới, là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư biết đi tắt đón đầu” - bà Miền nói.

Cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản Hà Nam, chuyên gia kinh tế TS. Trần Đình Thiên cho biết, mặc dù là địa phương có quy mô dân số nhỏ, nhưng Hà Nam là một trong những địa phương thuộc tốp đi đầu về tốc độ đô thị hóa trong vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, Hà Nam chưa có các không gian đô thị lớn, đây chính là dư địa để cho các nhà đầu tư xúc tiến đầu tư vào địa phương để phát triển các khu đô thị.

Ngoài ra, Hà Nam có quần thể du lịch chùa Tam Chúc rất nổi tiếng là cơ hội để phát triển du lịch tâm linh, kéo theo nhu cầu về phát triển một số sản phẩm bất động sản như bất động sản du lịch, khách sạn…

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện Hà Nam đã phê duyệt quy hoạch mở rộng thêm 14 khu công nghiệp và phát triển các khu đô thị lớn; cùng với đó, trong tương lai, Hà Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao vào năm 2030 và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050. Đặc biệt, việc Thủ đô Hà Nội xác định khu vực phía Nam là trung tâm phát triển mới càng tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản Hà Nam bùng nổ...

Với những tiềm năng trên, các chuyên gia kỳ vọng, trong thời gian tới thị trường bất động sản Hà Nam sẽ có những bước phát triển sôi động hơn.

Tuy nhiên, để có thể thu “trái ngọt” khi đầu tư vào thị trường bất động sản Hà Nam, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần hướng đến sự chuyên nghiệp trong xây dựng, phát triển dự án, phát triển đa dạng các phân khúc sản phẩm, cũng như chú trọng chất lượng dự án và phát triển đồng bộ các tiện ích xung quanh dự án. Bởi lẽ, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển nhưng thị trường bất động sản Hà Nam chưa “bật lên” được do các dự án phát triển vào khoảng thời gian trước có chất lượng và quy mô chưa tương xứng./.

DIỆU THIỆN