Gia tăng khả năng "hạ cánh mềm" của kinh tế toàn cầu

Kinh tế - Ngày đăng : 18:00, 29/07/2024

(BKTO) - Theo đánh giá của nhiều tổ chức, hoạt động kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới vững hơn dự kiến nhưng đà phục hồi không đồng đều giữa các nước góp phần gây rủi ro phân kỳ kinh tế.
nhat-ban.jpeg
Hoạt động kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới vững hơn dự kiến - Ảnh minh họa

Hoạt động kinh tế vững hơn nhưng phục hồi không đồng đều

Theo Dự thảo Thông cáo báo chí của Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà lãnh đạo lĩnh vực này có thể vui mừng trước khả năng "hạ cánh mềm" gia tăng của kinh tế toàn cầu, trong khi cảnh báo rủi ro từ các cuộc xung đột leo thang.

Phát biểu với báo giới, điều phối viên theo dõi tài chính tại G20 của Brazil, Tatiana Rosito cho hay các cuộc đàm phán đang diễn ra, nhưng tin tưởng các nhà lãnh đạo sẽ đạt đồng thuận về một tuyên bố chung, phản ánh những công việc đã hoàn tất cho đến nay.

Các nhà lãnh đạo vui mừng trước khả năng "hạ cánh mềm" gia tăng của kinh tế toàn cầu dù còn nhiều thách thức, khi lạm phát được kiểm soát mà không gây suy thoái nghiêm trọng hay làm gia tăng mạnh tình trạng thất nghiệp.

Hạ cánh mềm (tiếng Anh: Soft landing) là tình trạng mà một nền kinh tế dừng lại sau một kỳ tăng trưởng hoặc giảm một chút tốc độ và giữ một tốc độ tăng trưởng hợp lý. Khi một nền kinh tế đi vào hạ cánh mềm, tốc độ tăng trưởng giảm nhưng vẫn tiếp tục tăng và không có sự suy giảm hay sự sụt giảm đáng kể trong sức mạnh kinh tế.

Theo Dự thảo, hoạt động kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới vững hơn dự kiến, nhưng đà phục hồi không đồng đều giữa các nước, góp phần gây rủi ro phân kỳ kinh tế.

Dự thảo cho biết các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương tham dự cuộc họp trong tuần này tại Rio de Janeiro, Brazil dự kiến sẽ nêu lên những rủi ro đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, xoay quanh tình trạng lạm phát dai dẳng.

Những rủi ro đối với triển vọng kinh tế nhìn chung vẫn cân bằng như lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến và các đổi mới công nghệ đang diễn ra, trong khi xung đột leo thang, sự phân mảnh về kinh tế và lạm phát dai dẳng khiến lãi suất được duy trì ở mức cao.

Đối mặt với nhiều rủi ro

7-1632451719-cang-bien-ve-dem.jpg
Kinh tế thế giới đối mặt với những rủi ro như lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị cũng như thương mại - Ảnh minh họa

Trước đó, trong tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2024. Tuy nhiên, cũng dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ không đồng đều và khó trở lại mức trước đại dịch COVID-19. Kinh tế thế giới đối mặt với những rủi ro như lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị cũng như thương mại.

Ngân hàng Thế giới (WB) trong tháng 6 vừa qua đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, chủ yếu nhờ dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh. Trong các dự báo cập nhật, WB nhận định kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 01/2024.

Tuy nhiên, WB cho biết tăng trưởng sẽ không đồng đều trên toàn cầu và khó trở lại mức trước đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.

WB dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 vẫn không thay đổi ở mức 2,7%, thấp hơn mức trung bình 3,1% được ghi nhận trong một thập kỷ trước đại dịch COVID-19.

Nhà kinh tế trưởng của WB Indermit Gill nhận định mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu dường như đang dần ổn định sau tác động của đại dịch, xung đột, lạm phát và các chính sách thắt chặt tiền tệ song mức tăng trưởng hiện nay lại thấp hơn so với trước năm 2020.

Chuyên gia này nói thêm rằng triển vọng của các nền kinh tế nghèo nhất thế giới "còn đáng lo ngại hơn," khi phải đối mặt với các mức nợ quá cao, khả năng thương mại bị hạn chế và các hiện tượng khí hậu gây thiệt hại nặng nề.

Theo ông, các nước này cần phải tìm cách thu hút đầu tư tư nhân mới và giảm nợ công. Các chuyên gia WB cũng chỉ ra ba rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị và các vấn đề chính trị.

WB dự báo lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 3,5% trong năm nay và tiếp tục giảm xuống mức 2,9% trong năm 2025. Tuy nhiên, lãi suất trên toàn thế giới được dự báo vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 4% trong giai đoạn 2025 và 2026, gần gấp đôi mức trung bình trong 20 năm trước đại dịch.

Nhà kinh tế hàng đầu của WB Ayhan Kose nhận định lãi suất cao trong thời gian dài sẽ khiến điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, dẫn đến mức tăng trưởng yếu hơn tại các nền kinh tế đang phát triển.

Bên cạnh yếu tố lãi suất, nguy cơ từ căng thẳng Nga-Ukraine hay xung đột Hamas-Israel có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do giá dầu mỏ và chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao.

Theo WB, xung đột leo thang cũng có thể tác động tiêu cực đến tâm lý kinh doanh và tiêu dùng, làm gia tăng lo ngại rủi ro, ảnh hưởng đến nhu cầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Những diễn biến chính trị cũng sẽ tác động đến tăng trưởng, khi hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay có khả năng dẫn đến sự thay đổi lãnh đạo tại một số quốc gia.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại cũng đang gia tăng giữa một số nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, khi Mỹ và Liên minh châu Âu áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

WB nhận định sự bất ổn tăng cao liên quan đến chính sách thương mại và tiềm năng áp dụng các chính sách hướng nội hơn có thể ảnh hưởng đến triển vọng thương mại và hoạt động kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, trong báo cáo đầu tháng 6/2024, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nhận định tăng trưởng kinh tế vĩ mô trên phạm vi toàn cầu được dự báo duy trì ở tốc độ ổn định.

Moody's giữ nguyên dự báo một số nền kinh tế thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới trong năm nay sẽ “hạ cánh mềm.”/.

Nam Sơn