Thể chế phải đi sớm, đi trước, mở đường cho đột phá phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 22:50, 30/07/2024

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp này khi chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, sáng 30/7.
1.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Ảnh: CP

Đây là hội nghị đầu tiên, cách làm mới của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Hội nghị do Chính phủ phối hợp với UBTVQH tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

"5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước

Hội nghị đã nghe quán triệt các nội dung chính, điểm mới và tình hình công tác chuẩn bị, triển khai thi hành, thực thi Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô…

Các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá về những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội thời gian qua.

2.jpg
Hội nghị kết nối trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: CP

Phát biểu kết luận, Thủ tướng trước hết thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, UBTVQH với Chính phủ, của các cơ quan của Quốc hội với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng hoan nghênh và cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, mang tính xây dựng của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; giao Bộ Tư pháp, các bộ liên quan phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện và ban hành Thông báo Kết luận của Hội nghị quan trọng này để thống nhất triển khai.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung về tầm quan trọng của công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật; những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế; bài học kinh nghiệm; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Về tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường... tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.

Thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng khái quát "5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước: Tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể; Tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực; điều tiết hài hòa lợi ích phát triển giữa các chủ thể; Tạo lập "sân chơi" lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực; Tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; Tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa các rủi ro, tiêu cực…

3.jpg
Thủ tướng chỉ rõ phương châm hành động "5 đẩy mạnh". Ảnh: CP

Kịp thời ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết

Về các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Thủ tướng chỉ rõ phương châm hành động "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh tiến độ, chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa; đẩy mạnh cơ chế phân công, phân cấp, phân quyền phù hợp, khả thi, hiệu quả các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Qua Hội nghị này, Chính phủ thống nhất với UBTVQH trong việc tiếp tục rà soát các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và nghiên cứu, đề xuất với UBTVQH, Quốc hội để ban hành một luật sửa nhiều luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Cùng với đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thường xuyên, bao trùm, tổng thể, kịp thời, hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức các kỳ họp Quốc hội như một kỳ họp có thể tổ chức nhiều đợt, kết hợp trực tiếp và trực tuyến; các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ chủ động phối hợp từ sớm, từ xa trong công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật.

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Cùng với đó, bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng, ban hành, trình ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Chuẩn bị kỹ để thực hiện các chính sách, quy định mới có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.

Tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Chủ động rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ việc rà soát, kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc rà soát, kiến nghị xử lý các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động ban hành Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương.

Cùng với đó, chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết; kịp thời báo cáo, đề xuất phương án đối với những vấn đề có vướng mắc để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, xem xét, xử lý và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết.

Hội đồng nhân dân các cấp nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc cách thức phù hợp để quán triệt, triển khai luật, nghị quyết, tập trung vào những nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho chính quyền địa phương thực hiện.

Thủ tướng đề nghị các ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, bộ, ngành ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của các quy định trong các dự án luật, nghị quyết; tăng cường hoạt động giám sát trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp.

Thủ tướng đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân bằng các hình thức phù hợp; vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện luật, nghị quyết; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Chính phủ trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tổ chức triển khai thi hành pháp luật; thực hiện phổ biến pháp luật thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án…/.

HỒNG NHUNG